Khắc phục sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2 trước mùa mưa bão

Sau khi xảy ra sự cố tại đập thủy điện Sông Tranh 2, hàng loạt câu hỏi về chất lượng công trình cũng như trách nhiệm của các bên liên quan được đặt ra.          

Sự cố rò rỉ  nước tại đập của công trình Thủy điện Sông Tranh 2, tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam đã thu hút sự quan tâm của của dư luận và người dân địa phương. Sự cố  này có ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân hay không và khi nào thì tình trạng này sẽ được khắc phục triệt để... là những câu hỏi được đặt ra cho cơ quan chức năng. Các chuyên gia nghiên cứu và đơn vị liên quan đã vào cuộc với hy vọng sẽ sớm được khắc phục được tình trạng này trước mùa mưa bão 2012.

Tại buổi họp báo mới đây, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan đều khẳng định, sự cố rò rỉ nước tại đập Thủy điện Sông Tranh đã từng bước được khắc phục. Theo kết quả giám sát tại hiện trường, chưa phát hiện ra khe nứt bêtông ở ngoài và trong thân đập. Nước chủ yếu được thoát ra qua các khe nhiệt và đang được xử lý để giảm lượng thấm. Hiện đập thủy điện vẫn an toàn, sẽ không ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân vùng hạ du.

Tuy nhiên, ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tinhr Quảng Nam vẫn bày tỏ lo lắng về sự an toàn bền vững của của đập Thủy điện sông Tranh 2. Ông Thu mong rằng, chủ đầu tư cần tổ chức kiểm tra rà soát tổng thể công trình, có biện pháp khắc phục sự cố mang tính ổn định lâu dài nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình và cuộc sống của người dân ở 7 huyện vùng hạ du thủy điện.

Trước lo ngại của dư luận về việc chất lượng bêtông và khả năng đập Sông Tranh 2 bị thi công ẩu, Cục trưởng Cục Giám định nhà nước các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) – Tiến sỹ Lê Quang Hùng - khẳng định, chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải chịu trách nhiệm thi công theo quy định và đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn. Trong quá trình thi công, bêtông đã được lấy mẫu, kiểm tra thường xuyên đảm bảo chất lượng mới nghiệm thu chấp nhận đưa vào công trình. Tuy nhiên, sự cố không mong muốn đã xảy ra. Dư luận cho rằng cần có chuyên gia giám định độc lập đối với công trình này, như thế mới đảm bảo khách quan và đưa ra những thông tin chính xác để từ đó có giải pháp khắc phục.

Về vấn đề này, ông Lê Quang Hùng cho rằng: “Chưa buộc phải trưng cầu giám định, là vì theo quy định, chủ đầu tư phải có ràng buộc pháp luật với công trình, khi xảy ra sự cố, thì trách nhiệm của chủ đầu tư phải có giải pháp sửa chữa, khắc phục. Nếu chủ đầu tư không xử lý xong như yêu cầu thiết kế, Hội đồng nghiệm thu nhà nước sẽ không nghiệm thu công trình”.

Hiện nay, điều mà người dân tỉnh Quảng Nam nói riêng và dư luận nói chung đang đặc biệt quan tâm hiện nay là sự an toàn của công trình, nhất là khi mùa mưa bão sắp đến. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng Sự cố thấm nước ra mặt đập là hoàn toàn không được phép theo thiết kế dự án, lưu lượng nước thấm khoảng 30 lít/giây được xác định là lớn so với mức cho phép. Ngay kể cả hiện nay đã giảm lượng nước thấm qua các khe nhiệt về phía hạ du xuống còn 7-8lít/s thì về lâu dài cũng sẽ ảnh hưởng độ bền của bê tông, làm nới rộng khe nhiệt. Do đó, Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải tập trung xử lý trong thời hạn ngắn nhất để đảm bảo an toàn đập ngay trước mùa mưa lũ năm 2012.

Sự cố rò rỉ nước tại đập Thủy điện Sông Tranh 2 thực tế đã xuất hiện từ tháng 2, nhưng Ban Quản lý dự án (Ban A) đã không báo cáo ngay sự việc, cho đến khoảng tháng 3, sau khi lượng nước thấm đo được khoảng 30 lít/giây, lúc này nước đã thấm ra hạ lưu, mới bắt đầu tìm giải pháp khắc phục. Điều này cho thấy sự chậm trễ trong xử lý sự cố, gây lo ngại và bức xúc trong dư luận.

Bộ Công thương khẳng định, để xảy ra sự cố tại công trình thủy điện lớn nhất miền Trung này, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư – EVN. Bộ cũng khẳng định sẽ làm rõ trách nhiệm của cá nhân liên quan để xảy ra sự cố này. Tuy nhiên, an toàn của người dân lúc này là trên hết, bởi vậy, dư luận đang mong chờ những giải pháp khắc phục mang tính bền vững, để đảm bảo an toàn cho công trình và cuộc sống của người dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên