Khám phá cây violin tre độc nhất của giảng viên âm nhạc về hưu ở Tây Nguyên
VOV.VN - Là một giảng viên âm nhạc đã về hưu, chú Trường sở hữu biệt tài chế tạo các loại nhạc cụ từ tre, nứa độc đáo.
Khi nhắc đến vùng đất Tây Nguyên đại ngàn thì có một điều không thể bỏ qua đó là âm nhạc đến từ các loại nhạc cụ dân tộc mang âm hưởng núi rừng. Giai điệu từ những chiếc kèn, chiếc trống…là những âm thanh quen thuộc trong đời sống thường ngày của người dân nơi đây. Không chỉ dừng lại ở các nhạc cụ truyền thống dân tộc, “thủ phủ cà phê” còn là nơi sản sinh ra nhiều loại nhạc cụ đặc biệt kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Một trong những “cánh chim đầu đàn” trong hoạt động chế tạo nhạc cụ là thầy Nguyễn Trường với cây violin tre độc nhất của mình.
Thầy Trường tên thật là Nguyễn Trường, năm nay 64 tuổi là cựu giảng viên âm nhạc ở trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Daklak. Ngoài công việc giảng dạy gắn bó với mình gần 40 năm, thầy Trường còn có một niềm đam mê khác đó là chế tạo nhạc cụ. Các loại nhạc cụ do thầy chế tác thường có nguồn gốc từ những nguyên vật liệu tự nhiên như tre, nứa, bầu khô. Sau nhiều năm nghiên cứu và chế tạo, hiện tại thầy Trường sở hữu riêng cho mình một bộ sưu tập gồm hàng chục các nhạc cụ khác nhau như: sáo vỗ, tù và tre…
Đặc biệt, trong số các loại nhạc cụ mà thầy từng sáng chế ra thì cây violin tre chính là nhạc cụ tiêu biểu nhất làm nên tên tuổi của thầy. Có cùng cách chơi như đàn violon nguyên bản nhưng cây Violin tre của thầy Trường sở hữu nét đặc trưng hơn ở phần âm thanh. Những giai điệu phát ra từ cây đàn violin tre vừa gần gũi vừa mới lạ, mang chút mộc mạc pha lẫn chút hiện đại, thanh âm sống động pha lẫn chút nhẹ nhàng. Thầy tâm sự cây violin tre là một trong những sản phẩm tâm huyết nhất của thầy trong công cuộc thổi hơi thở mới vào trong những nhạc cụ dân tộc.
Là người con của xứ Huế nhưng vùng đất đỏ bazan mới là nơi nuôi dưỡng tình yêu nhạc cụ dân gian trong thầy. Nói về cái duyên đưa mình đến với vùng đất đại ngàn, thầy Trường chia sẻ: “Con đường âm nhạc đến với tôi rất là ngẫu nhiên. Khi ra trường tôi đi công tác ở Đắk Lắk, về với núi rừng tre, nứa Tây Nguyên tôi cảm giác có cái gì đó thân thuộc và gần gũi với mình”. Có lẽ đó cũng là lý do thầy chọn gắn bó với nơi đây làm chốn lập nghiệp thay vì trở về quê hương. Bằng chất giọng Huế đặc trưng, thầy Trường nói thêm: “Điểm thú vị trong nhạc cụ tre nứa là ai cũng có thể học được và ai cũng có thể sử dụng trong một thời gian ngắn”.
Xuất hiện trên sân khấu của "Sô diễn cuộc đời", thầy Trường đã chứng minh lời mình nói bằng cách mời những người có mặt trong đêm diễn lên dạy và chơi đàn tre tại chỗ. Liệu đàn tre do thầy chế tác có dễ học như lời thầy nói, “ban nhạc” ngẫu nhiên có biểu diễn thành công? Tập 4 "Sô diễn cuộc đời" phát sóng vào lúc 20h35 thứ 4 ngày 17/02/2021 trên kênh HTV7./.