Không tăng giá cước vận tải quá cao
Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng tình hình tăng giá xăng để tăng giá cước tùy tiện bắt chẹt khách.
Sau khi giá xăng được điều chỉnh lên mức 19.300 đồng/lít, các doanh nghiệp vận tải đã bắt đầu tăng giá cước. Tuy nhiên, người dân mong muốn các doanh nghiệp tăng thế nào cho hợp lý và tránh tình trạng “ tát nước theo mưa” như đã từng xảy ra.
Tại thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều đã điều chỉnh giá cước. Trong ngày 3/3, các doanh nghiệp taxi trên địa bàn Hà Nội như taxi Nội Bài, Sao Mai, Hương Lúa... đã tăng giá cước từ 1.000 đến 1.500 đồng/km. Giá cước xe khách ở các bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, bến xe phía Nam, các nhà xe cũng đều có kế hoạch tăng giá vé. Ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc Bến xe Phía Nam cho biết: Ban quản lý bến xe đã nhận được văn bản của 12 doanh nghiệp vận tải đăng ký tăng giá cước.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết: Việc tăng giá cước vận tải là không tránh khỏi, tuy nhiên cần phải theo dõi và xử lý nghiêm những doanh nghiệp tăng giá một cách quá mức. Theo tính toán của Hiệp hội vận tải ô tô Việt nam, mức tăng giá cước vào khoảng 9 - 12% là hợp lý nếu so với giá xăng dầu hiện nay. Ông Hùng cho biết:“Việc điều chỉnh giá cước vận tải sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các ngành kinh tế, đời sống người dân. Hiệp hội đã gửi công văn tới tất cả các hiệp hội vận tải trên cả nước đề nghị cố gắng rà soát chi phí, giảm giá thành tối đa. Đặc biệt các doanh nghiệp không được lợi dụng để tăng giá cước bất hợp lý…”.
Trước đó, ngày 1/3, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội đã có công văn gửi các đơn vị vận tải, khai thác bến xe trong thành phố kêu gọi các đơn vị vận tải hành khách bằng ô tô, doanh nghiệp khai thác bến xe không tùy tiện tăng giá cước, nghiêm cấm các hành vi lợi dụng tình hình tăng giá xăng để tăng giá cước tùy tiện bắt chẹt khách. Sở cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, thanh tra đối với các đơn vị tăng giá cước bất hợp lý. Các cơ quan chức năng cũng được cảnh báo tăng cường giám sát phát hiện và kịp thời xử lý những doanh nghiệp lợi dụng tăng giá vé quá cao.
Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết: “Xăng dầu tăng giá thì cước vận tải tăng là lẽ tất yếu, vì doanh nghiệp kinh doanh thì phải có lãi người ta mới làm. Nhưng tăng làm sao cho hợp lý, không để sáo trộn mạnh. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đã có văn bản kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn cùng chia sẻ với Nhà nước, Chính phủ, cố gắng giảm chi phí, tránh tình trạng tăng giá, tăng lạm phát bằng cách chi tiêu tiết kiệm…”.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Linh, trong mấy ngày qua, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã kiểm tra và phát hiện Xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội và Công ty Cổ phần ôtô khách Hà Tây tùy tiện tăng giá vé xe buýt thêm 3.000 đồng/người/lượt trên tuyến buýt số 201 Kim Mã - Sơn Tây - Trung Hà mà không xin phép bất kỳ cơ quan quản lý nào. Sở Giao thông Vận tải đã yêu cầu dừng ngay việc thực hiện tăng giá vé trái phép trên tuyến buýt trên, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp thống kê về khoản thu chênh lệch giá nộp về Sở./.