Kiểm soát cửa khẩu, ngăn nhập lậu cá tầm
(VOV) - Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, tình trạng nhập lậu cá tầm thương phẩm qua các cửa khẩu phía Bắc đang diễn biến phức tạp.
Đặc biệt, do loại cá này nhập khẩu vào Việt Nam không qua khâu kiểm dịch, nên gây nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng rất lớn.
Cá tầm nhập lậu vào Việt Nam rất nhiều, qua các cửa khẩu ở khu vực phía Bắc như: Tân Thanh, Hữu Nghị, Đồng Đăng (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh), Lào Cai (tỉnh Lào Cai), Tà Lùng (Cao Bằng)... nhưng chủ yếu là qua cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) với giá rất rẻ (dưới 100.000 đồng/kg). Trong khi đó, giá cá tầm của doanh nghiệp nuôi đang bán tới 160.000 đồng/kg.
Một xe chở cá tầm bị tạm giữ (Ảnh: Báo Lào Cai) |
Tuy nhiên, do cá tầm nhập khẩu vào Việt Nam hiện nay không qua kiểm dịch thú y, nên gây nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản và nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng rất lớn, nhất là vào những tháng cuối năm, gần dịp tết Nguyên đán.
Trước thực tế này, ngày 26/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công thương, Giao thông vận tải và UBND các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu tăng cường kiểm soát và xử lý việc nhập lậu cá tầm thương phẩm qua cửa khẩu biên giới.
Tại tỉnh Quảng Ninh, các Chi cục Hải quan cửa khẩu đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng vùng biên tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, cùng người, phương tiện xuất nhập cảnh.
Cùng với ưu tiên lực lượng cho các địa bàn trọng điểm, ngành hải quan bố trí chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ để kiểm tra, phát hiện những trường hợp vi phạm.
Ông Bùi Văn Khắng - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Móng Cái cho biết: “Chúng tôi đã triển khai các lực lượng kiểm soát khu vực cửa khẩu và địa bàn thuộc chi cục; đồng thời xây dựng các chương trình kế hoạch tuần tra kiểm soát khu vực biên giới. Chúng tôi bố trí lực lượng kiểm soát chống buôn lậu tăng cường kiểm tra kiểm soát đường biên; đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng như: bộ đội biên phòng, quản lý thị trường, công an…”.
Tại Hà Giang, với đường biên giới dài gần 230 km, có nhiều đường mòn lối mở, lạm dụng chính sách trao đổi hàng hóa, nhiều tư thương đã mua bán một số hàng hóa không nằm trong danh mục Nhà nước (trong đó có cá tầm) đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ.
Nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn bán hàng lậu, hàng cấm trong những tháng cuối năm nay, Chi cục quản lý thị trường Hà Giang đã phối hợp với Ban Chỉ đạo 127 của tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tại các huyện, thành phố. Đồng thời, chi cục phối hợp với ngành chức năng tuyên truyền vận động nhân dân khu vực biên giới và các tiểu thương buôn bán ở các cửa khẩu không tham gia vận chuyển, tiếp tay cho buôn lậu, đặc biệt là thủy sản, trong đó có cá tầm./.