Kỳ lạ những người trẻ Việt sợ toát mồ hôi khi dùng mạng xã hội
VOV.VN - Chứng nghiện mạng xã hội cũng có thể là một nguyên nhân dẫn đến hội chứng SMAD. Nhiều bạn trẻ dành quá nhiều thời gian trên mạng, dẫn đến tình trạng lo lắng khi không thể kiểm soát mong muốn và hành vi của mình.
Mạng xã hội là phần rất quan trọng trong thế giới của người trẻ, chiếm rất nhiều thời gian và tâm tư của họ. Hình ảnh gen Z thường gắn liền với chiếc điện thoại đang nối mạng. Ngoài ra, thế giới mạng là nơi người ta dễ dàng, thoải mái giao tiếp với nhau hơn so với thế giới thực, là nơi những người hướng nội có thể thể hiện bản thân. Vì vậy, chuyện thanh niên sợ tương tác mạng xã hội nghe rất kỳ lạ.
Tuy nhiên, sự thực là có rất nhiều bạn trẻ rất lo lắng, sợ hãi khi phải tương tác trên mạng. Nỗi sợ này lớn đến mức có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của họ.
Mất việc vì sợ tương tác trên mạng
Trần Thị Ngọc Mai (25 tuổi, Hà Nội) cho biết, ngay cả khi ở trên mạng, cô cũng thu mình vào vỏ ốc, chỉ giao tiếp với bạn bè thân thiết và không có nhu cầu giao tiếp xã hội. Cô sợ bị soi mói, phán xét, sợ người khác biết về cuộc sống hiện tại của mình. Mai cố gắng hạn chế đáng kể thời gian dùng mạng xã hội và thường xuyên cảm thấy lo lắng mỗi khi cần đăng tải bất kỳ nội dung gì.
Ngọc Mai cho biết, cô là một trong các nạn nhân của hội chứng sợ tương tác mạng xã hội - Social Media Anxiety Disorder (viết tắt là SMAD). Biểu hiện của SMAD là tâm lý lo lắng, sợ hãi khi phải tham gia hoặc đối mặt với các hoạt động trên mạng xã hội như đăng bài, bình luận, tương tác với bạn bè, hoặc thậm chí chỉ đơn giản là mở ứng dụng. Có những người sợ đến mức xuất hiện các dấu hiệu thể chất như tim đập nhanh, đỏ mặt, đổ mồ hôi, khó chịu ở dạ dày, buồn nôn...
"Khoảng 2 năm gần đây, tất cả các tài khoản mạng xã hội của mình đều ở chế độ khóa riêng tư 'bảo vệ trang cá nhân'. Trước đây thỉnh thoảng mình cũng đăng tải hình ảnh lên trang cá nhân, còn hiện tại mình bị chi phối bởi cảm giác sợ hãi, không muốn người khác biết gì về cuộc sống hiện tại của mình", Ngọc Mai tâm sự.
Không chỉ trên mạng, từ hai năm nay, cuộc sống thực của Ngọc Mai cũng ngày càng hướng nội. Cô không còn muốn đi chơi hay tụ tập bạn bè, sợ những nơi đông người. Mỗi lần công ty tổ chức liên hoan, cô đều chỉ đến khoảng 20 phút cho có mặt rồi lẻn ra về. Không chỉ đối với các mối quan hệ ngoài xã hội, ngay cả với gia đình, Ngọc Mai cũng thu mình hơn. Những lần gia đình về giỗ chạp ở quê, cô tìm đủ mọi lý do để trốn tránh vì sợ cảm giác bị mọi người ở quê hỏi cuộc sống hiện tại ra sao.
Nguyễn Hoàng Huy (22 tuổi, sinh viên viên năm cuối ĐH Bách Khoa, Hà Nội) từng rất năng động và tự tin chia sẻ mọi điều trên mạng. Anh thường xuyên chia sẻ hình ảnh, suy nghĩ của mình và tham gia các cuộc trò chuyện trực tuyến. Tuy nhiên, áp lực từ việc phải duy trì hình ảnh hoàn hảo và đón nhận những lời khen ngợi từ bạn bè dần dần khiến anh cảm thấy mệt mỏi.
Hoàng Huy bắt đầu lo sợ mỗi khi nhận được thông báo mới, sợ rằng mình sẽ không đủ đẹp, không đủ tốt trong mắt người khác. Hiện tại, anh hạn chế đáng kể thời gian sử dụng mạng xã hội và thường xuyên cảm thấy lo lắng mỗi khi cần đăng tải bất kỳ nội dung gì.
Còn Phạm Thiện Anh (26 tuổi, TP.HCM) buộc phải nghỉ việc tại một công ty lớn do nhân viên ở đây phải thường xuyên đăng tải các hoạt động của công ty lên trang cá nhân. Áp lực từ công việc cùng với lời chỉ trích và bình luận tiêu cực khiến Thiện Anh dần dần cảm thấy sợ hãi mỗi khi phải đăng bài. Chàng trai chia sẻ: "Mình là người sống hướng nội nên không muốn đăng tải thông tin, hình ảnh về cuộc sống riêng hay công việc lên trang cá nhân. Tuy nhiên lãnh đạo cho rằng phải đăng những hoạt động của công ty như kỷ niệm thành lập hay kỷ niệm ngày truyền thống thì mới là dành tình yêu cho công ty. Chính vì không đáp ứng được yêu cầu đó mà mình quyết định xin nghỉ việc".
Còn Lan Hương (28 tuổi, Đà Nẵng) nhận thấy mình ngày càng sợ hãi khi phải trả lời tin nhắn hoặc tham gia các cuộc trò chuyện trên mạng xã hội. Cô thấy áp lực khi phải trả lời một cách hoàn hảo và lo sợ bị hiểu lầm hoặc bị từ chối. Cô cảm thấy mình dần dần tự cô lập, dẫn đến hạn chế giao tiếp không chỉ trên mạng mà cả trong đời thực. Lan Hương đã quyết định rời xa mạng xã hội một thời gian để tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống.
Nỗi sợ từ áp lực phải hoàn hảo
Tiến sỹ tâm lý Lã Linh Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học Tâm lý - Giáo dục (PPRAC), Hà Nội, cho biết có nhiều nguyên nhân góp phần gây ra hội chứng sợ tương tác mạng xã hội ở người trẻ. Nguyên nhân đầu tiên là áp lực xã hội. Trên mạng, những tiêu chuẩn về vẻ đẹp, thành công và hạnh phúc thường được phóng đại. Những hình ảnh hoàn hảo tạo ra áp lực vô hình, khiến nhiều người cảm thấy tự ti và không muốn thể hiện bản thân.
Nguyên nhân thứ hai là vấn đề so sánh xã hội. Việc liên tục so sánh cuộc sống của mình với người khác trên mạng có thể làm tăng cảm giác thiếu tự tin, lo lắng và nghi ngờ bản thân. Nguyên nhân thứ ba là sự chối bỏ và phản hồi tiêu cực. Nỗi sợ bị chối bỏ hoặc nhận phải những bình luận tiêu cực có thể làm người trẻ lo lắng hơn khi tương tác trên mạng.
Chứng nghiện mạng xã hội cũng có thể là một nguyên nhân dẫn đến hội chứng SMAD. Nhiều bạn trẻ dành quá nhiều thời gian trên mạng, dẫn đến tình trạng lo lắng khi không thể kiểm soát mong muốn và hành vi của mình.
"Những người mắc hội chứng này thường là người hướng nội, khép kín, hoặc người mắc chứng rối loạn lo âu. Họ có tâm lý sợ bị đánh giá, tự ti, cho rằng mình không bằng người ta, sợ rằng đưa những thông tin đó lên mạng xã hội sẽ bị chê cười, bắt nạt. Ngoài ra, một số người còn sợ về an toàn thông tin, họ lo những thông tin cá nhân của mình bị dùng cho mục đích xấu, sợ người xấu đọc thấy và một lúc nào đó sẽ làm hại mình", TS Lã Linh Nga chia sẻ thêm
Hội chứng SMAD không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân mà còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm lý và xã hội. Người trẻ mắc hội chứng này thường có xu hướng tránh xa các hoạt động xã hội, dẫn đến cảm giác cô đơn và thiếu kết nối với thực tế. Những lo lắng và stress liên quan đến mạng xã hội có thể làm giảm khả năng tập trung và hiệu suất trong học tập, công việc. Nếu không được can thiệp kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến các rối loạn tâm lý như trầm cảm và lo âu.
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục cho biết, hiện nay rất nhiều người trẻ rơi vào trạng thái này, nhiều người còn vì thế mà bỏ phố về quê, về với thiên nhiên để thu mình lại. Theo ông, nếu bạn trẻ nào cũng muốn về quê chăm con gà, thả con cá thì xã hội khó phát triển được.
"Một bộ phận giới trẻ không biết rằng họ đang thu mình vào trong vỏ ốc. Họ sống không có trách nhiệm với bản thân thì làm sao sống có trách nhiệm với xã hội hoặc có tinh thần tình nguyện cống hiến hoặc có khát vọng gì thì hiện tại đây là thời điểm rất căng thẳng. Chính vì vậy, hội chứng này rất nguy hại cho thế hệ trẻ, đặc biệt ảnh hưởng đến sự phát triển xã hội trong 5 -10 năm nữa", chuyên gia Thành Nam chia sẻ.
Nhìn nhận ở khía cạnh khác, TS Lã Linh Nga cho rằng, khi một người ẩn mình trên mạng xã hội, cũng cần xem xét đời thực của họ thế nào. Sự tồn tại một bộ phận giới trẻ sống thu mình trong vỏ ốc cũng là một chỉ báo về vấn đề xã hội. Mọi người khi làm việc cần sự tương tác, giao tiếp, vì thế hội chứng SMAD làm giảm đi khả năng đóng góp về mặt lao động, kinh tế, xã hội. Bản thân họ có những nguy cơ về sức khỏe tâm thần, ảnh hưởng nhiều đến đời sống của họ.
Dù hướng nội cũng đừng 'biến mất'
Theo chuyên gia Linh Nga, để thoát khỏi hội chứng sợ tương tác mạng xã hội, điều quan trọng nhất là bản thân người mắc có thực sự mong muốn hay không. Việc chia sẻ thông tin trên mạng là tốt đẹp khi họ cho rằng nó có ý nghĩa và có tâm thế tham gia ở mức độ phù hợp. Chúng ta thường được khuyến khích chia sẻ lên mạng xã hội khi có niềm vui, hay thấy điều gì đó đẹp đẽ, nhân văn, hữu ích... để mọi người nhớ đến mình để có sự kết nối, tương tác nhất định.
"Dù là người hướng nội thì bạn cũng nên để mọi người nhớ đến mình. Còn rất nhiều người bạn quan tâm đến mình, rất muốn có sự kết nối hoặc biết được chút ít về tình hình của mình. Mọi người hãy bỏ qua mọi rào cản, thỉnh thoảng nên đăng gì đó lên mạng xã hội để mọi người vẫn thấy mình ở đó, có kết nối, có tương tác", chuyên gia Linh Nga nói.
Ở góc độ nào đó, có một số người mắc hội chứng đếm like. Khi đăng một bài viết, họ cần một lượng like nhất định để không nảy sinh tâm lý so sánh, mặc cảm rằng sao người kia nhiều like mà mình thì không. Chuyên gia khuyên không nên đặt nặng chuyện bài đăng của mình không có nhiều lượt yêu thích, vì những người tương tác thường xuyên, nội dung hay sẽ luôn có nhiều like hơn. Để tránh tâm lý so sánh và mặc cảm, bạn có thể tắt tính năng hiển thị số lượng like, từ đó thoải mái hơn trong việc đăng bài.
TS Lã Linh Nga cho biết, trên thực tế, nhiều người sống rất khép kín trên không gian mạng nhưng ngoài đời thực lại có mối quan hệ xã hội bình thường. Ít tương tác trên mạng đơn giản chỉ là lựa chọn của họ chứ không phải do sợ hãi. Họ vẫn coi trọng mối quan hệ thực tế, quan tâm nhiều kênh tương tác và tiếp nhận thông tin khác, chẳng hạn vẫn đọc sách. Dù khác với số đông, họ vẫn sống cuộc sống bình thường và không có nguy cơ gì.
Còn PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, để đối phó với hội chứng sợ tương tác mạng xã hội, ngoài nỗ lực của bản thân, sự can thiệp từ nhiều phía cũng quan trọng: "Về mặt giáo dục, các tổ chức chăm sóc thanh niên như Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên cũng cần có những kế hoạch truyền khát vọng cho người trẻ. Cần nâng cao nhận thức và kiến thức cho người trẻ về tác động tiêu cực của mạng xã hội, giúp họ hiểu rõ hơn về các tiêu chuẩn xã hội và tránh xa các so sánh không thực tế. Tiếp theo, chúng ta cần đẩy mạnh việc hỗ trợ tâm lý. Các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tâm lý có thể giúp người trẻ hiểu rõ và kiểm soát cảm giác lo lắng của mình khi tương tác trên mạng xã hội".
Ngoài ra, theo ông, cần khuyến khích người trẻ áp dụng các biện pháp kiểm soát thời gian sử dụng mạng xã hội, tạo ra sự cân bằng giữa cuộc sống thực và thế giới ảo. Các nền tảng mạng xã hội cũng nên tạo ra những chính sách và môi trường an toàn hơn để giảm thiểu sự chối bỏ và bình luận tiêu cực.
Mặc dù mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích và cơ hội kết nối, nó cũng tồn tại những mặt trái đáng lo ngại. Để bảo vệ sức khỏe tâm lý của người trẻ, cần có sự nhận diện kịp thời và giải pháp hiệu quả cho hội chứng sợ tương tác mạng xã hội. Quan trọng nhất vẫn là sự đồng cảm, hỗ trợ và can thiệp đúng cách để giúp họ vượt qua nỗi sợ hãi và tận hưởng một cuộc sống hài hòa, cân bằng hơn trong thế giới số.