Lai Châu: Tai nạn luôn rình rập người lao động tại các mỏ đá
(VOV) - Tỉnh Lai Châu hiện có hơn 70 cơ sở khai thác đá lớn nhỏ, chủ yếu của các doanh nghiệp tư nhân.
Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Lai Châu đã xảy ra 28 vụ tai nạn lao động, làm 12 người chết, 36 người bị thương, trong đó tai nạn chủ yếu xảy ra ở mỏ khai thác đá xây dựng. Sự chủ quan của người lao động và thiếu trách nhiệm của nhiều doanh nghiệp khai thác đá là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn lao động và nguy cơ tai nạn tại các mỏ khai thác đá luôn rình rập từng ngày.
Bắt đầu vào mùa khô, khi các dự án xây dựng trên địa bàn tỉnh Lai Châu đẩy nhanh tiến độ, khu vực khai thác đá của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lương Việt tại bản Sùng Chô, xã Nậm Loỏng, thị xã Lai Châu cũng trở lại khai thác rầm rộ. Trong khi máy xay đá chạy ầm ầm, xe ra vào chở và đổ đá bụi bốc mù mịt, thì trên lưng chừng núi một nhóm công nhân vẫn hì hục đặt mìn phá đá. Phía trên họ là vách núi dựng đứng với những phiến đá lồi lõm, cảm giác có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Trang bị bảo hộ lao động đối với những người lao động ở đây cũng thật đơn giản, hầu hết không đội mũ cứng, không đeo găng tay và đi giày. Chỉ đơn giản là chiếc mũ vải và đôi dép lê.
Anh Nguyễn Văn Hùng, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Lương Việt cho biết, dẫu biết là nguy hiểm nhưng mọi người đều làm như vậy để cho tiện.
Không chỉ nguy hiểm cho người lao động tại đây, mà cả người dân địa phương, bởi ai cũng có thể ra vào khu vực khai thác đá. Người dân ở bản Sùng Chô này vẫn còn nhớ vụ tai nạn sập đá làm 2 cháu bé bị chết cách đây 2 năm về trước. Chính khai thác đá theo kiểu hàm ếch, khi trời mưa, các cháu vào khu vực này chơi đã bị mảng đất đá sập vùi lấp.
Tỉnh Lai Châu hiện có hơn 70 cơ sở khai thác đá lớn nhỏ, chủ yếu của các doanh nghiệp tư nhân. Theo đánh giá của thanh tra Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh, thay vì khai thác từ trên cao xuống theo phương pháp cắt tầng, tạo vỉa, bạt ta luy và bóc lớp đất phủ bì, phần lớn các doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác đá ở Lai Châu đều khai thác từ dưới chân núi đá lên. Khoan lỗ, đặt nổ mìn tạo ra các hàm ếch và thuê lao động thủ công cạy đá đưa đi bán. Trong quá trình nổ mìn, đá bị rạn nứt hoặc trước đó bị mưa gió bào mòn chỉ cần động nhẹ là đá rơi. Phần lớn các vụ tai nạn xảy ra đều do nguyên nhân này.
Mặt khác, quy định là nơi đặt máy xay đá phải cách chân núi từ 30-50m nhưng thực tế, để tiết kiệm chi phí vận chuyển, bốc dỡ nên chủ doanh nghiệp đặt máy xay đá ngay sát chân núi, có nơi chỉ cách 5m, do vậy, nếu đá rơi rất dễ dẫn đến tai nạn lao động. Thực tế đã có một số doanh nghiệp có trang bị thiết bị bảo hộ như mũ, ủng, khẩu trang...và chế độ bồi dưỡng cho công nhân khai thác đá. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp chưa quan tâm đến vấn đề bảo hộ và kiểm tra sức khỏe cho công nhân, nhất là số lao động phổ thông bốc xếp đá hàng ngày. Những lao động này cũng không có hợp đồng lao động.
Ông Vương Thế Mẫn, phó giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Lai Châu cho biết:“Sở Lao động, thương binh và xã hội chúng tôi tham mưu cho Ủy ban chỉ đạo chính quyền địa phương phải quán triệt hoạt động của các doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn là phải đảm bảo an toàn, quy trình an toàn lao động. Thường xuyên chúng tôi đi kiểm tra, thành lập các đoàn đi kiểm tra để chấn chỉnh, nhắc nhở các doanh nghiệp mà hiện nay còn có nguy cơ mất an toàn lao động trên các công trường”.
Vi phạm quy trình khai thác, an toàn vệ sinh lao động tại các mỏ đá là thế, nhưng từ năm 2010 đến nay, ngành chức năng tỉnh Lai Châu cũng chưa ra quyết định đình chỉ hoạt động của mỏ đá nào. Nguy cơ mất an toàn lao động tại các mỏ đá luôn rình rập khi cả doanh nghiệp, người lao động đều chủ quan, thiếu trách nhiệm, trong khi việc kiểm tra của cơ quan chức năng mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở hoặc xử phạt hành chính./.