Làm bánh Trung thu - mang yêu thương về với gia đình
VOV.VN - Rất nhiều người coi Trung thu là dịp để cả gia đình ở bên cạnh nhau, cùng thưởng thức mâm cỗ nhỏ. Đối với chị em nội trợ, việc tự tay làm bánh không quá khó và còn đáp ứng được nhiều tiêu chí như ngon, rẻ, sạch.
Chỉ còn 2 tháng nữa là đến Tết Trung thu nên thị trường bánh trung thu đã rất nhộn nhịp, sôi động. Các quầy bánh từ những thương hiệu lớn được trang trí bắt mắt, muôn kiểu bánh trung thu ngon mắt, hình thức đẹp, thu hút người tiêu dùng.
Câu nói “Làm một vụ, đủ cả năm” có lẽ không còn đúng hoàn toàn nữa khi thị trường bánh trung thu ngày càng cạnh tranh. Bánh trung thu không còn là sản phẩm độc quyền của các nhãn hàng thực phẩm, khi các “ông lớn” trong ngành F&B như Phúc Long, Starbucks, Highland, The Coffee House… cũng cho ra mắt nhiều loại bánh thơm ngon, giá cả cạnh tranh, hấp dẫn người tiêu dùng. Theo khảo sát, do chi phí nguyên liệu tăng nên giá bán của bánh trung thu đang bày bán trên thị trường cũng tăng khoảng 15-20% so với năm ngoái. Ngoài ra, các loại bánh trung thu nhập ngoại như bánh lava trứng chảy, bánh sữa tươi phô mai trứng muối... với độ ngọt vừa phải từ Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Bánh Trung thu tượng trưng cho sự đoàn tụ gia đình và hạnh phúc. Tính biểu tượng này bắt nguồn từ việc các gia đình tụ họp cùng nhau để đón Tết Trung thu. Chính vì ý nghĩa này, rất nhiều người coi Trung thu là dịp để cả gia đình ở bên cạnh nhau, cùng thưởng thức mâm cỗ nhỏ. Đối với chị em nội trợ, việc tự tay làm bánh không quá khó và còn đáp ứng được nhiều tiêu chí như ngon, rẻ, sạch.
Cứ mỗi mùa Trung thu, căn bếp nhỏ của gia đình chị Thêu Việt ở Gia Lâm (Hà Nội) lại sực nức hương thơm của bột mỳ, đậu xanh, lạp xưởng, hạt sen… Chị Thêu Việt tâm sự: “Trung thu là dịp để tôi hướng dẫn con gái nhỏ công việc nội trợ. Con gái rất thích được tự tay làm ra những chiếc bánh nướng, bánh dẻo nhỏ xinh, khoe với bạn bè. Vui nhất là thời gian nướng bánh trong lò, hai mẹ con đợi những mẻ bánh ngả màu vàng ruộm, sực nức hương thơm. Cảm giác đó rất hạnh phúc”.
Chị Thêu Việt chia sẻ, để làm ra một chiếc bánh “sạch” thì giá thành không hề rẻ. “Một kg nhân thập cẩm hết khoảng hơn 300 nghìn đồng. Tiền vỏ bột tương ứng khoảng 60 nghìn đồng. Chưa kể tiền điện, công sức... Với công thức này, tôi làm được 15 cái bánh trọng lượng 100gr. Như vậy chi phí gốc cho một chiếc bánh nhân nhuyễn rơi vào khoảng 50.000 đồng”. Chị cũng tiết lộ, để chiếc bánh ăn không bị ngán, bị béo, chị thay bột mỳ thông thường bằng bột mỳ nguyên cám, giảm lượng đường hoặc tạo độ ngọt bằng quả khô, trái cây. Chị cũng thêm các loại hạt điều, hạnh nhân, óc chó vào nhân bánh để tăng hàm lượng dinh dưỡng và chất xơ".
Bạn Hằng Lê ở Hà Nội tâm sự: “Trung thu là một trong những ngày lễ lớn nhất ở Việt Nam. Đối với mình lễ tết thì mọi thứ phải rực rỡ tươi vui phần nào khiến tâm trạng mọi người hân hoan và vui vẻ. Trung thu là dịp để đoàn viên, trong mâm cỗ đoàn viên đó có những món ăn được chăm chút, trang trí đầy màu sắc thì những chiếc bánh cầu kì, tinh tế này sẽ góp phần tô điểm bàn tiệc thêm phần hoàn hảo”.Những chiếc bánh trung thu của Hằng Lê không chỉ dừng lại ở mức độ ngon mà còn được “chế tác” tỷ mỷ, hoàn hảo, cầu kỳ như một tác phẩm nghệ thuât.
Còn với em Hoàng Oanh ở Hà Nam, do không thích nhân bánh cổ truyền như hạt sen, gà quay, xá xíu…, Hoàng Oanh tìm tòi trên mạng và biến tấu ra nhiều kiểu bánh trung thu như: bánh trung thu nhân phô mai, bánh dẻo rau câu caramen, bánh dẻo khoai lang tím.
“Em xem các clip hướng dẫn làm bánh trên mạng, cùng sự tập trung, kiên nhẫn, quan trọng là đặt cả tấm lòng của mình vào trong từng công đoạn là làm bánh thành công. Em rất thích loại bánh dẻo nhân kem matcha, trong khi bố mẹ thì thích nhân sầu riêng, khoai lang tím. Ăn kiểu bánh này không bị ngấy như bánh truyền thống mà rất tốt cho sức khoẻ, lại mát lành. Cả nhà em ăn bánh Trung thu kiểu này sau bữa ăn như một món tráng miệng thơm ngon”, Hoàng Oanh nói./.