Làm sao để người cao tuổi sống vui, sống khỏe?
(VOV) -Hầu hết người cao tuổi ở nông thôn phải lao động, mang trong mình bệnh tật kép, lại ít có điều kiện chăm sóc sức khỏe.
Ngày 9/11 tại Hà Nội, Trung ương Hội Người Cao tuổi tổ chức giới thiệu kết quả Dự án “Nghiên cứu về tình hình sức khỏe và sử dụng dịch vụ y tế của người cao tuổi nông thôn Việt Nam”. Dự án do Ban Đối ngoại – Trung ương Hội Người cao tuổi phối hợp với Viện Quản lý Chính sách công – Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội triển khai, với sự tài trợ của Quỹ Toyota Nhật Bản. Dự án được thực hiện từ tháng 11/2011 – 10/2012 tại 6 tỉnh, thành là Lào Cai, Hà Nội, Khánh Hòa, Kon Tum, Đồng Nai và Tiền Giang.
Ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội NCT phát biểu tại hội thảo |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 8,15 triệu người cao tuổi, chiếm 9,4% dân số. Tuổi thọ trung bình của của người Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng, đạt trên 73 tuổi. Tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên ở Việt Nam sẽ chạm ngưỡng 10% tổng dân số vào năm 2017, tức là dân số Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn “già hóa” từ năm 2017.
Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu được TS Giang Thanh Long, Phó Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý, trường Đại học Kinh tế quốc dân và bà Phạm Tuyết Nhung – Phó Ban đối ngoại Trung ương hội trình bày, thì trong thực tế, mặc dù tuổi thọ tăng cao nhưng chất lượng sức khỏe của người cao tuổi vẫn còn rất thấp, dẫn đến tăng chi phí cho việc khám chữa bệnh, đồng thời tạo nên sức ép đối với hệ thống y tế quốc gia và ảnh hưởng tới chính sách y tế của Việt Nam.
95% người cao tuổi có bệnh
Kết quả nghiên cứu cho thấy, 95% người cao tuổi được khảo sát có bệnh, lại là “bệnh tật kép”; 67,2% trong tình trạng sức khỏe yếu, rất yếu. Người cao tuổi thường bị đục thủy tinh thể, tai kém, điếc, răng yếu – rụng, huyết áp, tim mạch, tiểu đường, hô hấp, xương khớp…; nhiều vùng người cao tuổi bị suy dinh dưỡng, loãng xương nặng. Nhiều người cao tuổi là cựu chiến binh, thương binh, thanh niên xung phong, nạn nhân chiến tranh nên sức khỏe rất yếu (điển hình là thị trấn Trảng Bom – Đồng Nai có 697 người cao tuổi thì có tới 106 cựu chiến binh).
TS Giang Thanh Long trình bày kết quả nghiên cứu |
Người cao tuổi ở nông thôn đa số còn nhiều khó khăn
Báo cáo cũng cho thấy, cuộc sống của người cao tuổi ở nông thôn đa số còn nhiều khó khăn, khoảng 42,4% người cao tuổi vẫn phải làm việc, song lại bị mang tiếng là phụ thuộc con cái. Người cao tuổi dân tộc thiểu số càng khó khăn, thiếu hiểu biết, thậm chí có người bị lợi dụng chính trị. Vẫn còn trường hợp con cháu bạo hành ông bà, cha mẹ - song chính quyền địa phương lại coi đó là “chuyện gia đình”, không phải vấn đề xã hội quan tâm.
Nữ hóa dân số người cao tuổi
Tình trạng nữ hóa dân số người cao tuổi đang diễn ra nhanh chóng. Nếu như ở độ tuổi 60 – 90, cứ 100 cụ ông thì có 121 cụ bà, thì ở độ tuổi trên 80, cứ 100 cụ ông thì có tới 190 cụ bà. Trong khi đó, các cụ hầu hết sống ở nông thôn, miền núi, điều kiện sinh hoạt khó khăn và mang nhiều bệnh tật.
Quan niệm “con chăm cha không bằng bà chăm ông” khiến NCT là nữ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống (Ảnh: Nhóm nghiên cứu) |
Cơ cấu dân số già đến sớm
Theo TS Giang Thanh Long, trong khi đa phần các nước trên thế giới, thời gian chuyển sang cơ cấu dân số già sau khi nền kinh tế đã phát triển, thì ở Việt Nam, cơ cấu dân số già đến sớm, khi kinh tế đất nước mới đang trong thời kỳ thoát nghèo. Do đó, các chế độ chính sách đảm bảo cho người cao tuổi được sống vui, sống khỏe, sống có ích, được chăm sóc chu đáo là một bài toán khó khăn.
Hiện nay, do mặt bằng kinh tế thấp cộng với hệ thống y tế chưa đồng bộ đã khiến một số biện pháp cải thiện sức khỏe cho người dân nói chung, người cao tuổi nói riêng, chưa hiệu quả và thiếu tính thực tiễn, việc chăm sóc mang tính toàn diện với người cao tuổi ở nước ta hầu như chưa có. Do đó, để góp phần cải thiện sức khỏe người cao tuổi cần có những định hướng về phòng chống bệnh tật, nâng cao nhận thức về bảo vệ sức khỏe và hoàn thiện các chính sách về dịch vụ y tế đối với người cao tuổi./.