Phát hiện loại vi khuẩn kháng kháng sinh với tỷ lệ 82% tại Việt Nam
VOV.VN - Tình trạng kháng thuốc tại Việt Nam thuộc loại cao nhất thế giới và đang ở mức nghiêm trọng. Đặc biệt đã ghi nhận loại vi khuẩn kháng kháng sinh với tỷ lệ tới 82%, cao nhất từ trước đến nay.
Đó là thông tin được Bộ Y tế và đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đưa ra tại lễ mít-tinh hưởng ứng Tuần lễ nâng cao nhận thức về phòng chống kháng thuốc diễn ra tại Đại học Y Hà Nội vào chiều 25/11.
Kết quả khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới tại 16 bệnh viện lớn của Việt Nam từ năm 2019 cho thấy, đã xuất hiện một số loại vi khuẩn đa kháng thuốc, trong đó 82% số trường hợp mắc bệnh do vi khuẩn Acinetobacter gây bệnh phổi, viêm đường tiết niệu đã kháng với thuốc kháng sinh Carbapenems. Tại các bệnh viện như: Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bạch Mai, Nhi Trung ương, Phổi Trung ương…đã phát hiện những siêu vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh và đã có những bệnh nhân tử vong.
Gần đây nhất, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã phát hiện một vài trường hợp nhiễm vi khuẩn kháng thuốc Colistin (một loại kháng sinh thế hệ mới).
TS Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: “Hiện nay, Bộ Y tế đang thực hiện đề án tăng cường việc mua thuốc theo đơn và kiểm soát việc bán thuốc kê đơn; đồng thời, đã triển khai kết nối liên thông các nhà thuốc ở cộng đồng và trong các bệnh viện và sắp tới sẽ thực hiện tại các quầy thuốc. Bộ Y tế cũng đang chỉ đạo áp dụng công nghệ thông tin để triển khai kê đơn thuốc điện tử tại các bệnh viện, tổ chức thực hiện thí điểm ở Hà Tĩnh, Hưng Yên để xây dựng mô hình hoàn chỉnh, tiến tới nhân rộng ra toàn quốc vào tháng 1/2021”.
Tham gia mít-tinh hưởng ứng Tuần lễ nâng cao nhận thức về phòng chống kháng thuốc, các Bộ Y Tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đối tác như Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc đã cùng nhau cam kết phối hợp, chấm dứt việc sử dụng kháng sinh sai và lạm dụng kháng sinh từ các bệnh viện, khu chăn nuôi, hay trong các hộ gia đình.
Bà Rana Flower, Trưởng Đại diện lâm thời văn phòng tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết: “Trong 10 năm tới, lượng kháng sinh dùng trong chăn nuôi dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi, đáp ứng cho nhu cầu thực phẩm khi dân số ngày càng gia tăng, do vậy ngành lương thực và nông nghiệp, có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc lây lan. Dọc theo từng khâu trong chuỗi thực phẩm, các biện pháp cần được thực hiện đảm bảo kháng sinh được sử dụng thận trọng và có trách nhiệm, vì vậy có thể làm chậm lại sự phát triển và lây lan của vi khuẩn kháng thuốc”.
Được đánh giá là điều kỳ diệu trong y học hiện đại, thuốc kháng sinh đã góp phần thay đổi cuộc sống của con người khi đánh bại các vi khuẩn nguy hiểm, giúp nhiều trẻ em được sống sót và tuổi thọ của người lớn được kéo dài hơn. Nhưng điều này đang có những thay đổi đáng kể, do lạm dụng thuốc đã gây ra tình trạng kháng kháng sinh đang báo động hiện nay./.