Lễ tế thần đầu năm mới của đồng bào Mông mang nhiều ý nghĩa tâm linh
VOV.VN - Đầu năm mới, đồng bào Mông thường tổ chức lễ tế thần. Nghi lễ này cũng được bà con tổ chức khi gia đình gặp phải những điều không may trong làm ăn, chăn nuôi để cầu tổ tiên, thần linh phù hộ cho gia chủ mạnh khỏe và các vật nuôi trong nhà ngày một phát triển hơn.
Để chuẩn bị cho lễ tế thần, trước tiên gia chủ phải chuẩn bị ba cây cỏ lau, một cái mẹt để đựng và một khúc củi đang cháy, một con chó hoặc lợn khoảng chừng 10-12 kg (là con cái) và đào một cái hố sâu khoảng 1m ngay bên trái cửa chính (bên trong nhà) để đặt các đồ lễ. Khi đồ lễ đã chuẩn bị xong, đúng 19 giờ tối, người chủ lễ đứng ở cửa chính, vật tế thần gồm chó hoặc lợn được để bên cạnh để chủ lễ báo với các thần linh, thổ công thổ địa theo bài khấn. “Kính báo với các thần linh, tôi không có nghìn con cho các thần linh, không có trăm con biếu các thần linh. Tôi có con vật này mời các thần linh ăn, chứng giám cho lòng thành của gia đình tôi, phù hộ cho gia đình tôi luôn mạnh khỏe, chăn nuôi, trồng trọt phát triển, có của ăn, của để…”- Ông Vừ Sua Ly, bản Pha Khoang, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La là thầy mo, một người am hiểu về phong tục của đồng bào Mông cho biết nội dung bài khấn.
Khi khấn xong, con vật dùng để tế thần sẽ được giao cho các thanh niên trong nhà mang đi mổ. Sau khi mổ xong sẽ cắt lấy một phần các bộ phận của con vật như: gan, lách, phổi, tim, thận, dạ dày… xâu lại với nhau mang đi luộc.
Ba cây cỏ lau cùng với cái mẹt sẽ được gia chủ mang vào để trong buồng ngủ của mình. Sau đó chuẩn bị 5 cái bát tô và 5 cái chén nhỏ (có dòng họ là 9 bát tô) dùng đựng các phần của con vật để tiếp tục làm lễ lần thứ hai.
“Đây là phần quan trọng nhất trong lễ tế thần, phần này sẽ được thực hiện trong buồng ngủ của gia chủ. Bát tô sẽ được đặt theo thứ tự từ đầu giường đến cuối giường. Những bộ phận của con vật sẽ được thái thành từng miếng nhỏ (nếu 5 bát thì mỗi bộ phận chỉ được thái 5 miếng, không được thái thừa miếng). Miếng thái đầu tiên sẽ được cho vào bát đầu tiên theo thứ tự từ trên đầu giường xuống cuối giường, sau đó đến đầu, chân tay con vật cũng được đặt theo thứ tự bước đi của con vật cho đến bát cuối cùng là phần đuôi của con vật”- Anh Thào Nỏ Chớ, Bàn Nà Ngần, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết.
Người chủ lễ phải chuẩn bị thêm một cái gáo nước múc sẵn canh luộc thịt. Nếu dùng bao nhiêu bát để đặt lễ thì phải khấn bấy nhiêu lần, mỗi lần khấn thì phải rót một lần canh luộc thịt vào những chiếc chén đặt cạnh mỗi bát. Sau mỗi lần khấn xong, những chén canh này sẽ được đưa cho con cháu, nhất là những cháu nhỏ trong nhà uống với mong muốn con cháu được các thần linh, thổ công thổ địa phù hộ không bệnh tật, ốm đau, sức khỏe dồi dào.
Khi khấn mời các thần linh xong, những phần dùng để tế thần sẽ được gia chủ bê xuống bày thành mâm và mời những anh em, họ hàng đến tham dự lễ cùng ăn uống chúc phúc, cầu mong tổ tiên, thần linh phù hộ cho gia chủ mạnh khỏe, không ốm đau, bệnh tật, làm ăn phát đạt, đàn vật nuôi phát triển tốt. Khi anh em, họ hàng đã ra về thì gia chủ mới lấy ba cây cỏ lau cuộn lại thành một bó và cài lên trên trần nhà, phía trên tường trong gian nhà chính có buồng ngủ của gia chủ, lúc này cũng là Lễ tế thần kết thúc.
“Đối với Lễ tế thần, mọi việc chỉ được thực hiện ở trong nhà, mọi thứ chỉ được mang từ bên ngoài vào trong nhà chứ không được mang từ trong nhà đi ra ngoài. Vì theo quan niệm nếu mang các thứ từ trong nhà ra bên ngoài lúc làm lễ thì sẽ xua đuổi những đều tốt đẹp đi. Anh em, họ hàng đến dự lễ khi ăn uống xong cũng phải rủa tay sạch sẽ vào cái chậu nước để cạnh cái hố trước khi bước ra khỏi nhà, vì như thế mới phù hộ được cho gia chủ”- Ông Vừ Sua Ly, Bản Phoang Khoang, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu cho biết thêm.
Lễ tế thần mang nhiều ý nghĩa tâm linh, thường được đồng bào Mông tổ chức trong những ngày đầu năm mới. Qua đó, để đồng bào gửi gắm niềm mong ước về một cuộc sống no ấm, hạnh phúc, vật nuôi phát triển đầy đàn./.