Lễ Vu Lan chùa Phúc Khánh: Vui một, buồn mười
VOV.VN -Những hình ảnh ghi lại từ lễ Vu Lan khiến chúng ta không khỏi chạnh lòng.
Chưa kịp mừng vì cảnh hàng nghìn người đội mưa dự lễ Vu Lan, tỏ lòng kính trọng, biết ơn cha mẹ, tổ tiên thì những hình ảnh như chen chân giành chỗ, nhang đốt cả bó, rác đầy sau lễ… khiến chúng ta không khỏi chạnh lòng.
Mỗi kỳ Vu Lan đến, chùa Phúc Khánh (đường Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) lại tiếp đón hàng ngàn người dân, Phật tử từ khắp nơi đổ về dự lễ báo hiếu. Biết trước điều này, nhiều người dân xung quanh chùa đã tranh thủ thời cơ, mở ra những dịch vụ như trông xe vào chùa, cho thuê ghế…
Ngay từ 14h chiều ngày 20/8 (tức 14/7 Âm lịch), 5 tiếng trước khi lễ chính diễn ra, ai đi qua khu vực trước cửa chùa Phúc Khánh cũng không khỏi bực mình, khó chịu với cảnh chèo kéo của những “cò” trông giữ xe.
Dịch vụ trông giữ xe ăn theo ngày lễ Vu Lan |
Chỉ trong đoạn đường ngắn chưa đầy trăm mét, hàng chục “cò” xuống đường vẫy khách, thậm chí còn xông ra chặn đầu xe người đi đường.
Vì cơ hội “cả năm chỉ có một, hai lần” nên giá trông xe cũng được các nhà đồng loạt hét giá 20.000 đồng/xe. Mặc dù giá trông xe cao như vậy, nhưng vì trong chùa không cho để xe, trong khi lượng người đổ về ngày một đông nên những bãi trông xe tự phát vẫn kín chỗ. Nhiều nhà nhận trông xe nhưng vì vỉa hè quá chật nên phải để xe của khách dưới lòng đường.
“Cò” trông giữ xe xuống đường vẫy khách, thậm chí còn xông ra chặn đầu xe người đi đường |
Dịch vụ cho thuê ghế nhựa cũng hút khách. Giá cho thuê một chiếc ghế nhựa nhỏ từ 10.000- 15.000 đồng/chiếc, khách đặt cọc 20.000 đồng, hết giờ trả ghế mới được lấy lại tiền. Cô Lan (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Tiền bỏ ra thuê một chiếc ghế gần bằng tiền mua. Nhưng đợi từ chiều, mỏi chân quá nên tôi cũng chấp nhận thuê để ngồi cho đỡ mỏi”.
Lượng người đổ về chùa quá đông nên cảnh chen lấn xô đẩy vẫn diễn ra. Ngay từ đầu giờ chiều, nhiều người đã tranh thủ đến sớm để giữ chỗ. Càng gần đến giờ hành lễ, dòng người đổ dồn về phía cửa chùa, chen lấn để được vào trong càng đông. Mặc dù bảo vệ chùa đã đóng cửa ngăn không cho khách vào chùa vì bên trong đã quá tải, nhưng nhiều người vẫn cố đẩy cửa để chen vào.
Dòng người chen chân mang lễ vào điện Tam Bảo, chùa Phúc Khánh |
Trong chùa đã kín chỗ, dòng người ở ngoài vẫn đẩy vào |
Giờ hành lễ đến, từ trong ra ngoài chùa cảnh tượng vẫn nhốn nháo, “kẻ đứng không được, người ngồi không xong”.
Dù năm nay, tình trạng đốt vàng mã đã giảm hẳn nhưng tình trạng đốt hương “cả bó” vẫn diễn ra, khiến chùa ngập trong hương khói mù mịt. Thậm chí, nhiều người vẫn mang hương ra cắm ở các gốc cây đường đi, tường rào gây lộn xộn, mất mỹ quan và mất an toàn.
Một hình ảnh phản cảm hơn nữa đó là nhiều người vô tư bỏ nhừng tờ tiền lẻ mệnh giá 200 đồng, 500 đồng, 1000 đồng kẹp vào bát hương, gốc cây…
Hương cắm ở vách tường |
Một vài bạn trẻ vẫn vô tư diện váy ngắn, quần áo hở hang vào chùa bất chấp ánh nhìn khó chịu của những người xung quanh. Bà Ngân (Phan Bội Châu, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chau mày nói: “Đi chùa mặc quần áo như vậy là bất kính. Nhất là trong ngày lễ như thế này thì lại càng không nên ăn mặc như thế”.
Vô tư diện váy ngắn vào chùa |
Trời mưa, nhiều người trải áo mưa, lót giấy báo để ngồi khấn xong đứng dậy cũng “quên” dọn. Sau lễ, trong chùa cũng như ngoài đường, những túi nilon, giấy báo, vỏ chai nước vứt vương vãi trên lối đi.
Những túi nilon, giấy báo, vỏ chai nước vứt vương vãi trên lối đi |
Lễ tan gần 2 tiếng, 22h đêm, công nhân vệ sinh môi trường và nhà chùa vẫn nỗ lực dọn rác, trả lại sự tôn nghiêm cho chùa.
Chị Hương, một người dân sống gần đó chia sẻ: “Chùa là nơi thanh tịnh trang nghiêm, nhưng năm nào cảnh bát nháo từ ngoài vào trong như vậy cũng diễn ra. Tôi nghĩ rằng, đi chùa phải có cái tâm, mỗi người cần tự ý thức và trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ cảnh quan, nét đẹp của nhà chùa”. Thiết nghĩ, mỗi người cần tự ý thức và trách nhiệm trong mỗi hành vi ứng xử để giữ được vẹn nguyên nét đẹp văn hóa tâm linh đầy tính nhân văn, trong sáng của lễ Vu Lan truyền thống./.