Lên Trùng Khánh nghe chuyện cá Trầm hương

Trên khúc sông Quây Sơn ở xã biên giới Đình Phong, huyện Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) có một loại cá có vị ngon kỳ lạ.

Quây Sơn- dòng sông phát nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chảy theo hướng Đông Nam vào lãnh thổ nước ta, qua hai huyện Trùng Khánh và Đàm Thủy (Cao Bằng) rồi quay trở lại đất Trung Quốc.

Nói đến dòng sông này, người ta thường nhắc đến thác Bản Giốc đẹp vào loại bậc nhất ở Việt Nam với ba tầng thác cuồn cuộn đổ xuống từ độ cao trên 50m tạo nên những hình ảnh tráng lệ và âm thanh vang động núi rừng.

Có lẽ chính vẻ đẹp tiên cảnh đó nên khi nhắc đến sông Quây Sơn người ta chỉ lại nói đến thác Bản Giốc nên ít ai biết được trên dòng sông này- chỉ đoạn dài khoảng 3-4km chảy qua xã Đình Phong (huyện Trùng Khánh) có một loại thuỷ đặc sản mà duy nhất chỉ dòng Quây Sơn sản sinh ra. Đó là cá Trầm hương.

Cá Trầm hương được bà con dân tộc Tày ở Trùng Khánh gọi là Pia teng. Đây là một loại cá có thân dài, vảy to màu trắng bạc, có vệt vảy xanh đen như chuỗi cườm ở cạnh hai mang. Chuỗi cườm phát nên ánh sáng rực rỡ khi có ánh đèn chiếu vào trong đêm tối.

Cá Pia teng có thịt rắn chắc, ít xương. Điều lạ là loài cá này toả một mùi hương trầm rất kỳ lạ. Và chính điểm đặc biệt này đã tạo nên nhiều câu chuyện huyền hoặc về mùi hương của loại cá Pia teng mà cho đến nay vẫn chưa có lời giải thích chính xác.

Một đoạn của khúc sông Quây Sơn chảy qua xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng

Không ai biết, cá Pia teng xuất hiện ở khúc sông này từ khi nào. Cũng không ai biết tại sao lại cá này lại có mùi hương kỳ lạ như vậy. Người dân xã Đình Phong vẫn truyền miệng với nhau rằng, mùi hương trên cá Pia teng bắt nguồn từ một cây trầm hương cổ thụ ở bên bờ sông Quây Sơn. Chính hương thơm của trầm hương đã thu hút loại cá này đến trú ẩn, sinh sống và ăn rễ cây trầm. Lâu dần nhờ sự cộng hưởng đó mà loại cá này phát sinh ra mùi thơm lạ kỳ.

Cũng theo giải thích của người dân Đình Phong, sau khi cây trầm hương cổ thụ này bị chôn vùi, cá trầm hương cũng bắt đầu thưa thớt dần. Tuy nhiên, ông Vũ Bình- một người câu cá thường xuyên trên sông Quây Sơn- cán bộ từng công tác tại Trung tâm Văn hoá tỉnh Cao Bằng lại có cách giải thích khác về sự biến mất của loại cá trầm hương.

Ông Vũ Bình cho biết, việc xuất hiện của cá Pia teng trên sông Quây Sơn ở xã Đình Phong là do ở đây ngày trước có rất nhiều cây trầm hương. Loại cá này ăn rễ cây trầm hương nên rất có thể chính loại thức ăn này làm cho chúng có mùi hương. Bởi vậy, người dân tộc Kinh ở Đình Phong mới gọi cá Pia teng là cá trầm hương.

Đã lâu lăm rồi người dân Đình Phong không bắt được cá trầm hương

Nhưng từ năm 1979 đến nay, khi cây trầm hương ngày càng khan hiếm, loại cá này cũng dần biến mất. Tuy nhiên, ông Vũ Bình khẳng định: “Đây là một giống cá lạ. Vì không phải cứ ăn rễ cây trầm hương là phát mùi thơm được”.

Hai cách giải thích đều có một điểm chung khi cho rằng, loài cá này có mùi thơm là do ảnh hưởng của cây trầm hương.

Ông Nông Đình Hai- nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Cao Bằng- người có nhiều năm nghiên cứu cá trầm hương cho biết, thực chất cá trầm hương là một nhánh của cá trôi. Mùi hương của cá trầm hương mang tính di truyền. Việc quần tụ tại dòng Quây Sơn khu vực Đình Phong là do sinh thái trên đoạn sông này với lòng sông rộng, nhiều mô đá và mạch nước đi qua.

Loại cá này còn tồn tại hay không thì ông Hai không khẳng định, chỉ biết rằng loại cá này thưa thớt dần và hiện rất hiếm khi xuất hiện. Ông Hai cho rằng, việc cây trầm hương biến mất chưa chắc dẫn tới sự tuyệt chủng của cá trầm hương, vì theo ông, vẫn có cây mạch vác- một loại cây thân ngầm cũng có mùi hương thơm như trầm hương. Cũng có thể, chính loại cây này sẽ là “cứu cánh” cho sự tồn tại của loài cá Trầm hương trên sông Quây Sơn.

Tuy nhiên, một thực tế là thời gian gần đây, chẳng mấy ai có cơ hội thưởng thức cá trầm hương. Ông Phan Văn Say (59 tuổi)- người có gần nửa cuộc đời gắn với nghề câu cá trên sông Quây Sơn cho biết, khoảng thời gian từ 2- 3 năm trở lại đây gần như không ai bắt được loại cá này. “Có lẽ nó đã thực sự biến mất”, ông Say nghi ngại.

Nói đến cá trầm hương, với những người may mắn được thưởng thức sẽ còn nhớ mãi. Nhưng giờ đây loại cá này đang biến mất là sự đáng tiếc. Tư liệu về loại cá này không còn nhiều. Người dân nơi đây luyến tiếc, liệu cá trầm hương có mãi mãi “vắng bóng” trên dòng Quây Sơn? Và liệu có thể không một chiến lược bảo tồn loài cá quý này?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên