Lời kể của ngư dân trong vụ tàu hàng đâm tàu cá
Trong số những người may mắn sống sót, có người đi biển nửa đời người nhưng chưa bao giờ họ phải chịu đựng nỗi sợ hãi như lần này.
Lúc 0h30 ngày 17/9, 4 trong số 8 ngư dân được cứu sống trên tàu cá Tiền Giang bị tàu hàng Sima Saphire (quốc tịch Singapore) đâm chìm ở ngoài khơi biển Vũng Tàu được tàu SAR 272 đưa về đến Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 (Vũng Tàu).
Cả 4 người gồm Nguyễn Văn Hồng (38 tuổi), Võ Văn Nhiệm (61 tuổi, ngụ Tiền Giang) và hai bố con anh Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Văn Bé (13 tuổi, ngụ Cà Mau) được đưa lên bờ trong bộ dạng tả tơi, sốt cao. Trong đó, anh Hồng và Bé bị thương ở chân, anh Thanh bị thương ở tay phải. Tất cả được chuyển đến Bệnh viện Lê Lợi (Thành phố Vũng Tàu).
Anh Nguyễn Văn Hồng và bé Nguyễn Văn Bé được dìu lên bờ |
Là người tỏ ra còn khỏe nhất nhưng vẻ mặt vẫn chưa hết thất thần, anh Nguyễn Văn Thanh cho biết, trên tàu có 16 người đi đánh cá cách nay gần 2 tháng. Rạng sáng 16/9, tàu trên đường vào bờ thì gặp nạn.
"Tôi nằm ngủ ở giường tầng trên, con trai nằm tầng dưới trong phòng tài công. Bất ngờ tôi nghe âm thanh 'ầm, ầm' vang lên bên phải tàu. Rồi chiếc tàu bị gãy đôi, tôi lọt tõm xuống biển, ngoi lên mặt nước thì bị lưới cá bủa vây và bị một thanh gỗ đâm vào đầu. Tôi cố vùng vẫy thoát khỏi đám lưới và tìm kiếm con trai”, anh Thanh kể.
Xung quanh tối om, sóng biển ập tới dồn dập, anh Thanh túm được chiếc phao và dáo dác bơi tìm con. "Tôi gọi thật to 'Bé ơi', nhưng đến tiếng thứ hai mới nghe nó trả lời. Nhìn mãi tôi mới nhận ra nó đang đu bám bên cạnh anh Hồng, cách đó vài mét", anh Thanh quay sang nhìn con trai.
Trong vẻ mặt hốc hác và chưa hết sợ hãi, bé trai 13 tuổi con anh Thanh cho biết đã đi biển cùng với bố hơn 2 năm nay "nhưng chưa bao giờ con thấy sợ như lần này". "Lúc rơi xuống biển, con chới với gọi cha nhưng không thấy. Con sợ chết và nghĩ đến mẹ với anh trai ở nhà. Lúc ngoi được lên mặt nước, con bám vào sợi dây cùng với chú Hồng. Một lúc lâu sau con mới nghe tiếng cha gọi", Bé kể.
Sau khi gặp nhau, cha con anh Thanh và anh Hồng đu bám trên chiếc phao và bình nhựa đựng nhớt rơi ra từ tàu cá. Lềnh bềnh trên sóng, họ gặp 5 người khác cũng bám được vào lưới cá và một số vật dụng trôi nổi xung quanh. Sau đó, các ngư dân thấy đồng nghiệp Ba Chiến (người duy nhất cho đến thời điểm này được xác định đã tử vong) mặt úp xuống nước, nổi lềnh bềnh cách đó vài mét. "Chúng tôi gọi to nhưng anh ấy không trả lời, chắc anh ấy đã chết", anh Thanh kể.
Gần một tiếng sau mọi người được tàu Sima Saphire vớt lên. Lúc này không ai nhìn thấy thi thể anh Chiến đâu, "chắc đã bị sóng cuốn đi mất". Mọi người ai cũng lạnh cóng, kiệt sức. Được thuỷ thủ tàu hàng cho thay đồ, ăn uống họ mới thấy khoẻ trở lại.
4 trong số 8 ngư dân được cứu sống được đưa vào bờ rạng sáng 17/9 |
Hơn 25 năm làm nghề đi đánh cá ngoài khơi, với ông Võ Văn Nhiệm (61 tuổi, ngụ Tiền Giang), đây là chuyến đi mà ông "không thể nào quên". Sau khi được đưa vào đất liền, ông Nhiệm vẫn thấy lạnh dù được mặc hai chiếc áo. Ngay lập tức ông nhờ mọi người gọi điện về cho gia đình để thông báo mình đã được cứu sống. "Từ lúc bị nạn đến giờ tôi không thể nào liên lạc với gia đình, không biết họ đã hay tin chưa", ông Nhiệm lo lắng.
Theo ông Nhiệm, khoảng 2h sáng 16/9, ông từ phòng tài công xuống cabin giăng võng để chuẩn bị ngủ. "Vừa ngả lưng tôi nghe tiếng 'ầm' rất lớn, bật được dậy thì tàu chìm mất rồi. Tôi la lên và nhìn xung quanh nhưng chỉ thấy anh Chiến cũng đang tìm cách thoát ra ngoài. Định chui ra từ cửa hông nhưng tôi làm không nổi vì nước tràn vào ào ào. Mãi đến khi cabin đầy nước tôi mới thoát ra ngoài được", ông Nhiệm kể.
Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 cho biết, 4 ngư dân còn lại dự kiến sẽ được đưa vào bờ vào trưa 17/9. Việc tìm kiếm số người mất tích vẫn đang được triển khai khẩn trương. "Có thể họ bị mắc kẹt trong lưới cá, không thoát ra được khỏi tàu", ông Nhiệm nhận định./.