Lớp học tình thương của ông già mù
Đã hơn 40 năm không nhìn thấy ánh sáng nhưng thương binh Nguyễn Đăng Khoa vẫn sống một cách có ích mà thậm chí là “nổi tiếng”.
- Về làng Sen thăm mái nhà tranh
- Nghệ sỹ nhiếp ảnh Mai Nam và những kỷ niệm về Bác
- Hồi ức của người quay phim về Bác
Chiến tranh đã cướp đi đôi mắt của thương binh Nguyễn Đăng Khoa (xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Mất đi ánh sáng, tưởng chừng cuộc đời còn lại của mình sẽ là chuỗi ngày nhàm chán thì vô tình ông tìm thấy cho mình một chân lý sống. Chân lý ấy là “đôi mắt” soi đường chỉ lối để ông có một cuộc sống có ích với xã hội.
Chân lý sống của người thương binh mù
Năm 1965, cũng như bao thanh niên khác ở xã Nam Lĩnh, ông Nguyễn Đăng Khoa xung phong ra mặt trận. Ông được điều về Bộ Tư lệnh 559. Với vai trò là một lính công binh, ông tham gia công tác vận chuyển đạn dược, lương thực… cho chiến trường miền Nam.
Tuy nhiên tham gia ở mặt trận chưa được bao lâu thì tháng 11/1968, trong một lần làm nhiệm vụ tại tuyến đường Trường Sơn 559, cả trung đoàn của ông bị đánh bom. Trong khi nhiều bạn bè, đồng chí hy sinh gần hết, ông may mắn sống sót nhưng bị mù hai mắt. Sau lần đó, ông được chuyển ra Bắc điều trị.
11 tháng nằm viện là quãng thời gian dài đằng đẵng với một chàng trai mới 26 tuổi xuân còn tràn trề nhựa sống. Mất hai con mắt, với ông khi đó là cả một sự chán chường, vô vọng. Khi tưởng chừng như tâm trí ông đang bị bao trùm bởi sự chán nản thì vô tình ông tìm được chân lý sống cho cuộc đời mình.
Ông Khoa với vai trò "ông giáo làng" sau bao năm cống hiến cho đất nước, xã hội |
“Đó là một buổi sáng đầu năm 1969”, ông Khoa nhớ lại. Như thường lệ, anh em trong trại thương binh đọc báo cho ông nghe. Hôm đó họ đọc bài viết của ông Vũ Kỳ- thư ký của Bác Hồ.
Bài viết kể về chuyến thăm vào Tết (1956) của Bác đến trường thương binh hỏng mắt. Những câu nói của Bác tại trại thương binh được ông Vũ Kỳ ghi lại làm ông Khoa như bừng tỉnh. Ông nhờ đồng đội đọc đi đọc lại nhiều lần để nhớ kỹ từng chi tiết. Đêm nào trước khi đi ngủ, lúc nào ông lẩm nhẩm trong tâm từng đoạn, từng chữ một.
Chính vì vậy mà đến tận bây giờ ông vẫn không quên một chi tiết nào trong lời căn dặn của Bác với anh em thương binh bị mù. Bác nói: “Mỗi chú, tùy theo hoàn cảnh của mình mà học lấy một nghề để tiếp tục đóng góp, phục vụ. Làm được như vậy thì các chú “tàn nhưng không phế”.
Năm 1973, ông trở về quê hương, hành trang mang theo là những lời căn dặn của Người đối với những thương binh mù như ông. Và chính này đã soi sáng, giúp ông nỗ lực vượt lên khó khăn để sống một cuộc sống có ích.
Trở về cuộc sống thường nhật, ông bắt đầu học mọi thứ, từ công việc nhỏ nhất như: vệ sinh cá nhân, tập đi trong bóng tối, rồi các việc vặt trong gia đình... Cứ như vậy thời gian đã giúp ông làm mọi việc một cách thành thạo mà không cần ai giúp đỡ.
Khi không còn là “người thừa”, ông nghĩ đến việc cống hiến cho xã hội. Đầu tiên, ông đề xuất với Đảng ủy xã khôi phục lại hoạt động văn hóa cơ sở để cung cấp thông tin và động viên các bà con vững vàng sản xuất. Đề xuất của ông được chính quyền xã ủng hộ nhiệt tình. Với chiếc loa của Ban Tuyên huấn Quân khu 4 tặng cho Đảng ủy, ông cùng với 6 người khác thu thập thông tin về tập hợp và phát cho nhân dân nghe.
Tuy không còn nhìn thấy ánh sáng, nhưng ông Khoa có thể chơi thành thạo cùng một lúc 4 nhạc cụ |
Để động viên bà con, ông còn mạnh dạn mượn các nhạc cụ, nhờ các nhạc sỹ chỉ dạy. Đúng như mọi người vẫn nói “cuộc đời không lấy của ai tất cả”. Bù đắp cho đôi mắt mù lòa, ông lại có đôi tay khéo léo và đôi tai thẩm âm của một người nghệ sỹ.
Ông chơi thành thạo các nhạc cụ kết hợp nhuẫn nhuyền và sáng tạo ra nhiều cách chơi nhạc độc đáo. Nhiều bản nhạc quen thuộc trở nên mới mẻ, độc đáo hơn qua ngón của ông. Với tiếng hát, tiếng nhạc của ông phát qua đài phát thanh xã mỗi ngày đã cổ vũ, động viên nhân dân trên địa bàn hăng say lao động sản xuất.
Suốt 20 năm làm công tác tuyên truyền của xã (1973 – 1993), ông đã nhận được rất nhiều giải thưởng: Năm 2000, ông đạt giải đặc biệt tại Liên hoan “Tiếng hát từ trái tim” tại thủ đô Hà Nội; Năm 2002, ông đạt giải A Liên hoan tiếng hát ngành Lao động Xã hội khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Bản nhạc “Cô gái vót chông” được ông hòa tấu cùng một lúc 4 nhạc cụ rất điêu luyện để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.
Đến năm 1993 ông tạm dừng hoạt động công tác tuyên truyền tại xã để nhận một nhiệm vụ mới ở Ban chấp hành Hội người Mù tỉnh Nghệ An.
Lớp học của thương binh mù
Nghỉ công tác tại Hội người Mù tỉnh Nghệ An, ông trở về với cuộc sống của một người nông dân, bịnh dị và mộc mạc. Nhưng với ông công việc không bao giờ là dấu chấm hết vì ông luôn tâm niệm “còn sức còn cống hiến”.
Có lẽ bởi vậy mà trong một lần vô tình nghe đám trẻ trong làng cãi nhau về bài toán hình học, khi mỗi đứa đem ra một cách giải, khiến ông băn khoăn. Ông Khoa gọi đám trẻ vào nhà, mò mẫm cầm viên đá vẽ lên mặt đất rồi hướng dẫn chúng tận tình.
Cũng từ đó, đám trẻ trong làng cứ lan truyền nhau chuyện “ông già mù” giỏi toán. Bởi vậy mỗi khi có bài toán khó, các em lại rủ nhau tới tìm ông.
“Thấy các cháu chăm chỉ học tập, tôi cũng thấy vui. Cứ vậy tôi dạy chúng làm toán và học sao cho dễ hiểu, dễ nhớ. Về sau thấy chúng vất vả nhưng hiếu học, tôi quyết định mở lớp dạy học, với mong muốn đem lại con chữ cho những học trò cấp 2 trong xóm nghèo này” – ông Khoa chia sẻ.
Lớp học của ông ban đầu chỉ có 6 em, nhưng sau mỗi năm kết thúc lớp mới khai giảng thì số lượng các em ngày một tăng. Từ khi bắt đầu (2003) cho đến nay ông đã dạy được 9 lớp và chuẩn bị khai giảng lớp thứ 10 với 24 học sinh. Các học sinh của ông là các học sinh có gia đình hoàn cảnh trong xóm, xã tới học.
Thầy chỉ tới đâu, trò vẽ tới đó |
“Lớp học của tôi lúc đầu cũng nhiều vất vả, khó khăn lắm. Bắt đầu thì học ở nhà dân, về sau tôi dạy luôn tại nhà cho thuận tiện việc đi lại. Không những vậy, khi mới dạy tôi còn nghe nhiều điều “khó lọt tai”: “Học người sáng mắt còn không được, huống chi học người khiếm thị”...
Bỏ ngoài tai mọi câu nói và thuyết phục phụ huynh cho các em theo học, để rồi chính kết quả học tập cuối năm của các em là bằng chứng cho khả năng của “ông giáo mù”. Cùng từ đó mà các phụ huynh và người trong xóm, trong xã “tâm phục, khẩu phục” trước ông Khoa mù mà đa tài.
Để duy trì và có đủ kiến thức dạy các cháu đến ngày hôm nay, ông Khoa cũng phải thường xuyên cập nhật kiến thức mới để cho phù hợp với chương trình học tại lớp của các em.
Ông Khoa tâm sự: “Nền giáo dục ngày một phát triển và có nhiều cải cách nên những kiến thức tôi đã học trước đây đã không còn phù hợp. Chính vì vậy, để dạy các cháu, tôi phải chọn một em học khá nhất lớp để trợ giảng cho tôi. Hàng ngày trước giờ lên lớp, em đó sẽ đến nhà tôi để soạn bài, sau khi nghe kỹ đề bài, hai thầy trò cùng trao đổi, thảo luận và tìm cách giải đơn giản và dễ hiểu nhất. Khi lên lớp, tôi giảng tới đâu thì em đó sẽ vẽ tới đó và chỉ cho các bạn còn lại”.
Tất cả những điều mà ông làm cho các học sinh và lớp học thật đáng trân trọng, bởi nó xuất phát từ trái tim yêu thương con trẻ. Nhưng có lẽ hơn hết, ông đã truyền cho các em niềm say mê tri thức, lòng can đảm vượt qua mọi khó khăn cuộc đời, mà thầy chính là một tấm gương sáng. Mỗi bài học hôm nay của ông không chỉ có giá trị về kiến thức, mà còn là một bài học về tình nhân ái, bao dung, nghị lực của một con người. Từ lớp học này, các em sẽ nên người, đó là niềm mong mỏi lớn nhất của ông.
“Thấy các cháu học ngày một khá tôi thấy rất vui và tự hào! Nhiều cháu nhà nghèo, khó khăn nhưng vẫn vươn lên học tốt. Thậm chí có em 3 lần phẫu thuật hở hàm ếch nhưng vẫn kiên trì theo học, bám lớp học tốt khiến tôi thấy cảm động vô cùng. Cũng vì những niềm vui và tình cảm đó mà tôi thấy mình luôn đủ sức khỏe để bước tiếp cùng các cháu”./.