Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, từ tháng 12/2013 đến 10 ngày đầu tháng 3/2014, từ các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ đến các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ, lượng mưa phổ biến thiếu hụt từ 50-90% so với trung bình nhiều năm (TBNN); đặc biệt khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ từ tháng 1 đến 10 ngày đầu tháng 3/2014, nhiều nơi không xuất hiện mưa.
Từ tháng 1 đến giữa tháng 3/2014, dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên đều hụt nhiều so với TBNN. Các tỉnh Bắc Trung Bộ (từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh) dòng chảy thiếu hụt so với TBNN cùng kỳ khoảng 15-40%. Mực nước bình quân tháng đều thấp hơn so với với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. Các sông ở Thanh Hóa thấp hơn từ 110-120 cm; các sông ở Nghệ An thấp hơn 110-130cm; các sông Hà Tĩnh thấp hơn 20-27cm. Đặc biệt mực nước trên sông Cả tại Yên Thượng đã xuống mức: 0,72m (ngày 9/2); trên sông Mã tại Lý Nhân xuống mức 2,41m (ngày 2/3) thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc.
Tình hình xâm nhập mặn trên sông Mã, tại Quảng Châu (Thanh Hóa) có độ mặn lớn nhất: 26,7 ‰ xuất hiện ngày 27/2/2014 xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ và tương đương so với cùng kỳ 2013. Trên sông Cả, tại Bến Thủy giảm hơn so với TBNN cùng thời kỳ là 9,5‰ và giảm hơn so với cùng kỳ năm 2013 là 5,7‰.
Các tỉnh Trung Trung Bộ (từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi), dòng chảy vùng thượng nguồn các sông ở mức thấp, trung bình chỉ đạt 10-50% so với TBNN. Mực nước bình quân tháng trên các sông đều thấp hơn so với TBNN cùng thời kỳ từ 50 – 130cm; đặc biệt trên sông Trà Khúc đã xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc là 0,23m ( ngày 4/3).
Trên các sông ở Nam Trung Bộ (từ Bình Định đến Bình Thuận), dòng chảy thiếu hụt so với TBNN cùng kỳ khoảng 30-85%. Mực nước bình quân tháng trên các sông đều thấp hơn so với TBNN cùng thời kỳ từ 75 – 115cm; riêng một số sông đã xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc như trên sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng là 2,48m (ngày 28/2) và sông La Ngà tại Tà Pao: 115,63m (ngày 1/2).
Trên các sông ở Tây Nguyên, lượng dòng chảy duy trì ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn TBNN và cao hơn cùng kỳ năm trước (năm 2013). Mực nước bình quân tháng trên các sông đều thấp hơn so với TBNN cùng thời kỳ từ 10 – 30cm.
Một số nơi thuộc các tỉnh ven biển miền Trung, Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên đã xuất hiện khô hạn, thiếu nước cục bộ và xâm nhập mặn ở vùng cửa sông như Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông.
Nguyên nhân dòng chảy trên các sông ở ven biển Trung Bộ và Tây Nguyên bị thiếu hụt, mực nước vùng hạ lưu xuống thấp là do lượng mưa trong các tháng đầu mùa khô thiếu hụt nhiều so với TBNN cùng kỳ và do các nhà máy thủy điện và hồ thủy lợi trữ nước phục vụ cho các tháng mùa khô từ tháng 4 đến tháng 8/2014.
Tính đến cuối tháng 2/2014, các hồ chứa thủy lợi ở Bắc Trung Bộ đạt từ 81-90% dung tích thiết kế (riêng hồ Cửa Đạt chỉ đạt 41%). Ở Trung Trung Bộ đạt 82-93% ở Nam Trung Bộ đạt 67-85% (riêng tại Ninh Thuận, Bình Thuận chỉ đạt 30-50%); ở Tây Nguyên đạt 64-88%; ở Nam Bộ đạt 57-78%.
Mực nước trên phần lớn các hồ chứa thủy điện thuộc khu vực Miền Trung và Tây Nguyên đều thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 1-4m; trong đó, có một số hồ thấp hơn rất nhiều như: Sông Tranh 2 thấp hơn 11,02m, Buôn Tua Srah thấp hơn 9,7m.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương nhận định, lượng mưa tháng 3 và tháng 4 có khả năng ở mức thấp hơn một ít so với TBNN cùng thời kỳ. Lượng mưa từ tháng 5 đến tháng 8/2014 phổ biến ở mức thấp hơn một ít so với giá trị TBNN cùng thời kỳ.
Lượng mưa ở khu vực Trung Bộ, đặc biệt là ở các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa thời đoạn từ tháng 5 đến tháng 8/2014 là thời kỳ mùa khô và lượng mưa được dự báo ở mức thấp hơn so với TBNN, do vậy tình trạng thiếu nước, khô hạn tại khu vực này đến khoảng cuối tháng 8/2014 mới dần được cải thiện.
Lượng mưa trong tháng 3 và 4/2014 có khả năng ở mức thấp hơn giá trị TBNN. Nửa đầu mùa mưa bão (từ tháng 5-7/2014) lượng mưa phổ biến thấp hơn một ít giá trị TBNN; đến tháng 8/2014 lượng mưa ở mức xấp xỉ với TBNN cùng thời kỳ. Có khả năng mùa mưa ở Tây Nguyên, Nam Bộ và các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận đến muộn hơn so với bình thường (khoảng nửa cuối tháng 5 đầu tháng 6/2014).
Tình trạng thiếu mưa và khô hạn tại Tây Nguyên, Nam Bộ và các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận có khả năng kéo dài, cho đến cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2014 sẽ dần được cải thiện.
Từ tháng 3 đến đầu tháng 5/2014, lượng dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên tiếp tục giảm dần và ở mức thấp hơn TBNN cùng thời kỳ từ 20-40%, có nơi thấp hơn 50%; riêng trên sông Đăkbla tại Kon Tum cao hơn, nhưng không nhiều. Ở các tỉnh Tây Nguyên và Bình Thuận có khả năng xảy ra khô hạn và thiếu nước cục bộ. Trên một số sông có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng kỳ.
Cuối tháng 5, đầu tháng 6/2014, trên các sông ở Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng xuất hiện lũ tiểu mãn với đỉnh lũ thấp hơn TBNN.
Từ tháng 5 - 8/2014, dòng chảy trên các sông từ Nghệ An đến Ninh Thuận tiếp tục giảm dần và có khả năng thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 20- 40%; trên một số sông có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất trong liệt số liệu quan trắc. Cần đề phòng xảy ra tình trạng khô hạn, thiếu nước cục bộ và xâm nhập mặn sâu vào cửa sông ở các tỉnh ven biển miền Trung, tuy nhiên tình trạng khô hạn không xảy ra gay gắt như năm 2013.
Các địa phương và các ngành liên quan cần chủ động phòng chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn ở các khu vực trên./.