Mất cân bằng giới tính khi sinh - Nỗi lo của cơ cấu dân số Việt Nam
Bà Urmila Singh, Phó trưởng đại diện Quỹ Dân số LHQ: Thiếu phụ nữ sẽ gia tăng áp lực khiến họ phải lập gia đình sớm và có thể làm tăng nhu cầu mại dâm và mạng lưới buôn bán phụ nữ và trẻ em gái
Tính đến tháng 4/2009, dân số Việt Nam đã gần 86 triệu người, xếp thứ 13 trên thế giới về quy mô dân số. Cùng với sự tăng trưởng nhanh về dân số, việc mất cân bằng giới tính ở Việt Nam cũng đang ở mức báo động, từ 106,2 nam/100 nữ năm 2000 tăng lên 110,6 nam/100 nữ năm 2009.
Gia đình chị Sỹ Thị Hạnh, ở phố Hào Nam, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội có hai con gái, cháu đầu học lớp 8, cháu thứ hai học lớp 4. Điều mà anh chị cảm thấy hài lòng là cả hai cô con gái đều khỏe mạnh, chăm ngoan, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi và xuất sắc. Theo chị, để chăm sóc con khôn lớn và trưởng thành, dạy dỗ đến nơi đến chốn, trở thành người có ích không phải là dễ dàng. Do vậy, dù sinh hai con gái nhưng chưa bao giờ vợ chồng chị Hạnh có ý định sinh con thứ ba. Chị Hạnh nói: “Hạnh phúc lớn nhất của các bậc cha mẹ mong muốn con mình trưởng thành ngoan ngoãn và thành đạt, có ích cho gia đình và xã hội. Không quan trọng con trai hay con gái. Nhiều người cứ suy nghĩ, theo tôi chẳng quan trọng gì, con nào mà chẳng là con, miễn nó ngoan là được. Kể cả con gái, con nào mà chẳng có hiếu”.
Không phải ai cũng suy nghĩ như gia đình chị Hạnh. Thực tế, rất nhiều cặp vợ chồng vẫn muốn “có nếp, có tẻ”, thậm chí còn có tư tưởng “đông con hơn nhiều của”. Vì vậy nhiều người đã có hai con gái đều cố đẻ thêm đứa con thứ ba thậm chí thứ tư - thứ năm, mong sao có đứa con trai nối dõi tông đường. Dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính, con trẻ không được chăm sóc một cách tốt nhất.
Bà Urmila Singh, Phó trưởng đại diện Quỹ Dân số LHQ tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đang bước vào “thời kỳ cơ cấu dân số vàng”. Trong thời kỳ này, dân số trong độ tuổi lao động gấp đôi dân số trong độ tuổi phụ thuộc, Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để hoàn thiện, xã hội hóa chính sách dân số. Việc hạn chế tỷ lệ sinh, hoàn thiện chính sách dân số không chỉ bảo đảm chăm sóc sức khoẻ sinh sản, lồng ghép kế hoạch hoá gia đình mà còn giúp con trẻ được khỏe mạnh. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với thách thức lớn: đó là hạn chế về thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, sinh sản tới nhóm dân số như thanh niên, người di cư, dân tộc thiểu số… đặc biệt sự gia tăng nhanh bất thường của tỷ lệ sinh con trai nhiều hơn con gái dẫn tới mất cân bằng giới tính.
Bà Urmila Singh nói: “Sự mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh sẽ tác động lên cơ cấu giới tính của dân số trong tương lai và sẽ dẫn tới hiện tượng thừa nam giới. Thiếu phụ nữ sẽ gia tăng áp lực khiến họ phải lập gia đình sớm và có thể làm tăng nhu cầu mại dâm và mạng lưới buôn bán phụ nữ và trẻ em gái”.
Điều đáng quan tâm là tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, liên tục ở mức báo động từ 106,2 nam/100 nữ (năm 2000) lên 110,6 nam/100 nữ (năm 2009). Việc lựa chọn giới tính thai nhi diễn ra khá phổ biến ở các tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng và phần lớn thuộc nhóm gia đình khá giả. Số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ngày càng tăng; việc mang thai ngoài ý muốn và phá thai vì mục đích lựa chọn giới tính còn phổ biến...
Ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết: Cùng với tiếp tục nâng cao chất lượng dân số, thời gian tới, cần cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, duy trì mức sinh thấp hợp lý, giải quyết tốt vấn đề cơ cấu dân số, khống chế tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh không vượt quá 115 nam/100 nữ...
Ông Dương Quốc Trọng nói: “Để làm giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, chúng tôi phải tìm đúng nguyên nhân để xử lý các nguyên nhân này, và chúng tôi cũng đang tiếp tục làm nhưng đây là vấn đề không thể nôn nóng, một sớm một chiều có thể làm việc ngay mà chúng ta phải tiến hành bền bỉ trong nhiều năm thì chúng ta mới hy vọng có thể đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức bình thường”.
Ngay từ bây giờ ngành y tế cần phối hợp lồng ghép các kênh truyền thông, nhất là lồng ghép việc truyền thông với các biện pháp quản lý nhằm giám sát các cơ sở siêu âm, xét nghiệm, nạo phá thai. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để xã hội nhận thức được những hậu quả của sự chênh lệch lớn tỷ lệ trẻ em trai với tỷ lệ trẻ em gái khi sinh, thay đổi nhận thức của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, xoá bỏ quan điểm trọng nam khinh nữ.
Đồng thời, nhà nước cũng cần quan tâm đến chính sách phát triển kinh tế xã hội, nâng cao mức sống người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, quan tâm đến cuộc sống người già, để dù là con trai hay con gái, nếu có cuộc sống tốt, hiếu thảo đều là chỗ dựa vững vàng cho cha mẹ, ông bà lúc về già. Có như vậy, mới mong giảm dần tình trạng mất cân bằng giới tính hiện nay./.