Máy trưởng tàu Sunrise 689: “Bọn cướp rất hung dữ, sẵn sàng xả súng“
“Bọn cướp dùng dao, súng khống chế anh em thuyền viên. Chúng rất hung dữ, sẵn sàng đâm dao, xả súng bất cứ lúc nào nếu gặp phải sự kháng cự. Bọn chúng quá chuyên nghiệp, hung dữ”.
Chiều 11/10, dù đã an toàn về đất liền trong sự quan tâm, chăm sóc của vợ và người thân nhưng vẻ mặt của anh Lương Đại Thành (52 tuổi, máy trưởng tàu Sunrise 689) vẫn không giấu được sự mệt mỏi sau những ngày dài lênh đênh trên đại dương trong sự khống chế của bọn cướp biển.
Khi tàu vừa cập điểm B12, Bãi Dâu, cách bờ biển Vũng Tàu 0,7 hải lý, anh Thành là người bị thương tích nặng nhất nên đã được Cảnh sát biển Vùng 3 đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Lê Lợi, TP Vũng Tàu. Theo ghi nhận, đến chiều 11/10, thì anh Thành chính là ca đầu tiên trong số 18 thuyền viên vừa “trở về từ cõi chết” phải đưa vào bệnh viện chăm sóc.
Bác sĩ Trương Sĩ Chiến, khoa Cấp cứu Bệnh viện Lê Lợi cho biết, anh Thành nhập viện lúc 16h trong tình trạng tinh thần tỉnh táo nhưng bị chấn thương khớp gối trái, xương bàn chân trái...
Ngay khi nhập viện, anh Thành được các bác sĩ tiến hành bó bột chân trái và nhập viện để theo dõi, điều trị. “Hiện tại tim mạch bệnh nhân tốt. Chỉ cần dưỡng thương trong khoảng 1 tháng thì các chấn thương sẽ bình phục”, bác sĩ Chiến nói.
Chạy theo chiếc băng ca bên cạnh anh Thành là chị Nguyễn Thị Liên Hương, vợ anh. Chị Liên Hương vừa mới đáp chuyến bay từ Hải Phòng vào TPHCM rồi vội bắt xe xuống Vũng Tàu để chăm sóc chồng.
Bọn cướp quá hung dữ!
Trên chiếc băng ca nằm giữa phòng cấp cứu, dù mệt mỏi nhưng anh Thành vẫn cố gắng kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện về những ngày anh và đồng nghiệp đối mặt với bọn cướp.
Anh Thành kể, khi tàu đang trên hải trình từ Singapore về Cửa Việt, Quảng Trị thì bất ngờ bị bọn cướp vây hãm, đột nhập lên tàu Sunrise 689. Bọn chúng chuyên nghiệp trong khâu tiếp cận và cả việc không chế thuyền viên một cách nhanh chóng khiến không ai kịp trở tay.
Một nhóm khoảng không dưới 10 người, độ tuổi ngoài 30; đầu đội mũ len kín mít, chỉ để lộ đôi mắt. Chúng cầm dao dài, súng ngắn... khống chế các thuyền viên.
Khi bọn cướp đột nhập lên tàu, anh Thành liền khóa trái cửa phòng của mình lại và cố thủ ở bên trong. Tuy nhiên, bọn cướp dùng dao chém, đập vào cửa ầm ầm. Quá hoảng sợ, anh Thành chui qua cửa sổ phòng máy trưởng nhảy xuống mạn bên trái tàu ở độ cao hơn 3 mét. Cú tiếp sàn không được tốt làm anh Thành trượt ngã và bị thương ở chân.
“Chúng dí súng vào đầu. La hét như vượn rừng. Chúng chém, truy đuổi, uy hiếp chúng tôi là chính. Nếu ai manh động thì chúng sẵn sàng đâm hoặc xả súng ngay”, anh Thành rùng mình kể lại.
Bọn cướp khống chế, trói anh Thành và 17 thuyền viên còn lại rồi dồn vào phòng máy trưởng. Căn phòng nhỏ, mọi cửa đều đóng kín, nóng bức nên các thuyền viên rất ngột ngạt, khó chịu và hoảng sợ. Trong khi đó, bọn cướp rất hung hăng, thay nhau canh giữ. Nhóm khác thì tiến hành đập phá, hủy hoại các thiết bị liên lạc, lục lọi khắp các phòng để lấy đồ đạc...
6 ngày bị nhốt trong phòng là quãng thời gian dài đằng đẵng mà các thuyền viên phải đối mặt. Bọn cướp ban đầu còn đội mũ len bịt kín đầu nhưng 2 ngày sau, chúng cũng ngang nhiên để lộ mặt. Ngày đầu chúng chẳng cho các thuyền viên ăn. Hôm sau, chúng áp tải cho thuyền viên xuống bếp nấu ăn. Sau đó, chúng dẫn từng tốp 6 thuyền viên cho ăn rồi áp tải vào lại căn phòng.
“Gần 30 năm đi biển, tôi chưa bao giờ gặp cướp biển. Đây là lần đầu tiên tôi đối mặt với một băng nhóm cướp chuyên nghiệp và quá hung hăng. Chắc cả đời không bao giờ tôi quên...”, anh Thành nói.
Từ bài học xương máu rút ra từ vụ cướp biển lần này, anh Thành cho rằng, hải trình giữa Việt Nam – Singapore khoảng cách không xa mà bọn cướp manh động như thế thì chắc chắn trong tương lai gần chúng sẽ mở rộng địa bàn, tác oai tác quái.
“Việc chống cướp biển không chỉ có nhà nước Việt Nam mình mà cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng quốc tế cùng ra tay. Bọn cướp ẩn trong bóng tối, chúng núp bóng dưới dạng tàu ngư dân đánh cá, rình rập và khi có điều kiện chúng sẵn sàng ra tay cướp bóc. Vì thế, tôi mong nhà nước mình, cộng đồng quốc tế cần đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát hữu hiệu bằng những phương tiện hiện đại để bảo đảm an toàn, tự do hàng hải”, anh Thành tâm sự./.