Máy xông mũi, họng có oan?
Việc mua máy, mua thuốc xông một cách tùy tiện, không theo phác đồ điều trị đã khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh tiền mất, tật mang.
Dạo qua những trung tâm chuyên kinh doanh thiết bị y tế trên đường Ngọc Khánh, Phương Mai, có thể dễ dàng thấy việc mua sắm máy xông mũi, họng diễn ra nhộn nhịp. Giá mỗi chiếc máy xông dao động từ 400.000 đồng đến gần 3 triệu đồng. Sự đa dạng về chủng loại, kiểu dáng và có đủ các loại nguồn gốc xuất xứ khiến cho người tiêu dùng bị choáng ngợp và chỉ biết mua theo sự giới thiệu hay tư vấn của người kinh doanh.
Máy xông mũi, họng có tác dụng chữa trị hoặc hỗ trợ điều trị một số bệnh lý ở đường hô hấp cấp hoặc mãn tính rất hiệu quả. Khi xông, hơi thuốc sẽ có tác dụng trực tiếp lên chỗ viêm nhiễm ở đường hô hấp, trong khi đó nếu dùng thuốc uống thì tác dụng chậm hơn. Tuy nhiên, hiệu quả phụ thuộc vào từng bệnh nhân.
Khoa khám bệnh, Viện Tai mũi họng T.Ư đã tiếp nhận nhiều trường hợp là nạn nhân của việc xông mũi, họng. Theo lời giới thiệu của một người bạn, chị Trần Thị Huyền, giáo viên trường THCS thị trấn Bích Động, Việt Yên (Bắc Giang) đã quyết định đầu tư riêng một máy xông mũi, họng để chữa bệnh dị ứng thời tiết, viêm xoang cho chị.
Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, thính giác của chị bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có hiện tượng căng tức, trong tai có tiếng nổ bùng bục, ngồi họp nhiều khi không nghe rõ. Chị được bác sỹ chẩn đoán là bị ngộ độc ốc tai, tiền đình do lạm dụng máy xông mũi, họng.
Về vấn đề này, bà Võ Thị Hồng Thái, Giám đốc Marketing Việt Nam, Tập đoàn Omron, Nhật Bản giải thích, sở dĩ có hiện tượng trên là do người tiêu dùng (NTD) chưa nhận thức đúng đắn về việc vệ sinh máy xông mũi, họng. Chẳng hạn, khi mua máy, NTD nghĩ rằng máy mới thì xông luôn không cần phải rửa nhưng thực chất trong những dụng cụ đó có thể vẫn còn chứa hóa chất. Vì vậy, NTD đang có bệnh lại đưa thêm lượng hóa chất từ máy vào thì nguy cơ bệnh nặng lên là có thể.
Nhiều máy xông sau khi sử dụng hoặc sau thời gian cất đi, miếng lọc khí của máy đã bị nhiễm khuẩn, NTD cứ thế sử dụng sẽ làm tăng khả năng nhiễm khuẩn trong cơ thể. Kể cả đường ống khi dùng xong sẽ còn lại hơi nước, nếu NTD không làm khô sẽ dễ gây nên ẩm mốc.
Trao đổi với phóng viên VOV, TS. Võ Thanh Quang, Giám đốc Viện Tai mũi họng T.Ư cho biết: Việc dùng máy xông mũi, họng gây nguy hiểm cho người bệnh có thể do chất lượng máy xông không đảm bảo. Nhưng hai yếu tố làm trầm trọng thêm bệnh của người dùng đó là máy xông không được vô trùng trước khi sử dụng và việc dùng thuốc xông chưa hợp lý. Việc NTD mua máy xông ở ngoài nên đầu xông chỉ làm bằng nhựa, rất khó cho việc hấp vô trùng.
Tuy nhiên, theo ông Quang, gây nguy hiểm cho người bệnh không chỉ tại máy xông mà việc người bệnh không hiểu bệnh lý của mình nên mua thuốc xông không hợp lý, cách pha không đúng tiêu chuẩn cũng gây ra những nguy hiểm trong khi xông mũi, họng. Chẳng hạn, thuốc Corticoid là loại thuốc chống viêm dùng cho việc xông mũi rất tốt nhưng nếu không dùng đúng theo phác đồ điều trị thì bệnh có thể nặng lên./.