Mẹo nhỏ hữu ích giúp phân biệt hàng nhái và hàng thật
VOV.VN - Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có được làm giả tinh vi tới đâu cũng có thể phân biệt dựa trên những đặc điểm sau đây.
Hàng giả, hàng nhái và hàng fake đều là những tên gọi "mỹ miều" cho những mặt hàng ăn theo sản phẩm nổi tiếng của các nhãn hiệu khác nhau, có mức giá thấp hơn hẳn hoặc thậm chí bán bằng giá sản phẩm chính hãng nếu được làm giả tinh vi, qua mắt được người tiêu dùng.
Từ những đồ dùng đắt tiền như túi xách hàng hiệu, phụ kiện trang sức tới các đồ dùng điện tử, và thậm chí là mỹ phẩm, thực phẩm... đều là "cơ hội" làm giàu cho những người muốn trục lợi từ việc làm giả. Giữa một thế giới thật giả lẫn lộn như vậy, thật khó cho người tiêu dùng khi không biết làm thế nào để phân biệt giữa hàng giả và hàng thật.
Dưới đây là những mẹo hay giúp bạn nhân biết chúng:
1. Với đồ điện tử:
Các thiết bị điện tử giả không chỉ có chất lượng kém, dễ hỏng hóc mà còn có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng do được làm từ nguyên liệu kém, không đảm bảo đúng quy trình lắp ráp, chạy thử nghiệm. Để kiểm tra xem bạn có đang dùng nhầm hàng nhái hay không, hãy thử các mẹo này:
- Kiểm tra kỹ bề ngoài của thiết bị: những mặt hàng nhái dù công nghệ có hiện đại tới đâu thì cũng không thể có máy móc xịn bằng hàng thật vì vậy, ngay từ phần vẻ ngoài, chúng đã có những sự khác biệt nhất định. Logo bị in sai lệch, khoảng cách giữa các chữ và mực in ra không đều, chữ in bị mờ, dễ bị bong tróc... là những điểm dễ nhận biết nhất. Các điểm ghép nối sản phẩm có khe hở rõ ràng, cầm không có cảm giác chắc tay, sử dụng lâu bị nóng, đơ, có hiệu quả kém...đều là những thứ bạn dễ dàng có thể trải nghiệm khi sử dụng.
- Kiểm tra tem chống hàng giả: tem chống hàng giả, tem mác của nhà sản xuất phải còn nguyên, không bị bong tróc, có dấu hiệu dán lại hoặc tem mờ, đục. Các loại tem này là thứ phải xuất hiện trên các mặt hàng được nhập khẩu chính ngạch và phân phối chính hãng. Chúng thường có giá đắt hơn các sản phẩm được gọi là "hàng xách tay" hay "hàng order" bởi các mức thuế phải chịu trong quá trình nhập khẩu, thế nhưng "đắt xắt ra miếng", đồ điện lại là thứ có thể dùng trong thời gian lâu dài, vì thế đừng ngại ngần mà chi thêm chút tiền nữa để mua được hàng đảm bảo chất lượng.
2. Với các loại quần áo, túi xách:
Đây là một trong những thị trường được những kẻ làm giả tập trung khai thác nhất bởi sự đa dạng của mẫu mã và sự dễ dàng trong công cuộc làm giả. Để nhận biết chúng hãy chú ý vào những điểm sau
- Nhãn mác thương hiệu: với những mặt hàng nhái công khai, chúng thường chỉ đổi vài chữ cái trong tên thương hiệu gốc để đánh lừa thị giác của người mua lúc mới nhìn thoáng qua, ví dụ như Adidas sẽ đổi thành adides, supreme sẽ thành suprome... Đây là loại hàng nhái dễ dàng nhận biết nhất. Nhưng với những mặt hàng được làm nhái ở cấp độ cao hơn, chúng lại không hề đổi tên thương hiệu mà thay vào đó, sẽ là nhãn mác với phần logo được in thiếu tinh tế hơn hàng gốc (mờ, mác to hơn, chữ thô hoặc mảnh hơn...)
- Chất liệu: với những người quá quen thuộc với một nhãn hàng, họ sẽ dễ dàng nhận ra đâu là hàng kém chất lượng được làm giả ngay khi chạm tay vào sản phẩm (chúng thường có chất liệu thô ráp, đường may kém tinh tế, nhiều chỉ thừa, form size không chuẩn...). Dù là hàng "super-fake" đi chăng nữa, chúng cũng chỉ có thể lừa được mắt thường của những người không hiểu về sản phẩm chứ không thể qua mắt được những tín đồ của nhãn hiệu ấy.
3. Với mỹ phẩm:
Mỹ phẩm được xem là mặt hàng có số lượng hàng kém chất lượng nhiều nhất, nó có thể không phải là hàng nhái lại bao bì của một nhãn hiệu nổi tiếng thế nhưng chúng sẽ có những cái tên rất lạ với những công dụng thần kỳ mà tùy thuộc vào đó sẽ có mức giá từ rất rẻ tới cực đắt, ngang với các thương hiệu lớn. Vậy phải làm sao để phân biệt mỹ phẩm có phải hàng giả hay không?
- Vỏ ngoài, bao bì sản phẩm: Với các mặt hàng có phần vỏ nhựa rẻ tiền, bao bì màu sắc quê mùa, sặc sỡ, với hàng loạt chữ tiếng Anh khó hiểu, thậm chí in sai, mờ, dễ bong tróc, lột bỏ lớp giấy ghi thông tin sản phẩm hay chữ in lệch lạc, sai font... thì bạn đều nên tránh xa, bởi chúng chính là hàng giả. Với những sản phẩm được làm giả tinh vi hơn, chúng sẽ có mẫu mã, bao bì giống tới 80-90% so với sản phẩm gốc, khi đó bạn phải thật tinh ý, quan sát kỹ mọi biểu hiện bên ngoài của sản phẩm để đưa ra phán đoán chính xác nhất.
- Thành phần nguyên liệu, mùi hương: Các loại mỹ phẩm giả, kém chất lượng thường sử dụng hương liệu rẻ tiền với một liều lượng không đạt tiêu chuẩn để làm nên sản phẩm. Chính vì vậy chúng thường có mùi khó chịu, đậm hoặc nhạt hơn hẳn so với mùi sản phẩm chính hãng, chúng cũng có dạng quá lỏng hoặc quá đặc, nếu để một thời gian sẽ bị tách nước.
- Chất lượng: Đây có lẽ là điều cần sự mạo hiểm nhất định để kiểm nghiệm, bởi các mặt hàng làm nhái cao cấp thường rất khó để phân biệt dựa vào bẻ ngoài hay mùi hương, cảm giác khi sử dụng. Hoặc chỉ đơn giản là bạn mới sử dụng chúng lần đầu và không có cơ sở nào để so sánh cả. Vậy nên khi sử dụng một sản phẩm mới, hãy thử chúng trên vùng da nhỏ ở cổ tay trước để thử xem chúng có kích ứng hay gây phản ứng phụ gì cho da bạn không trước khi quyết định đem nó sử dụng cho mặt hay toàn thân.
- Tem chống hàng giả: đây cũng là một cách để đảm bảo bạn luôn mua được hàng chính hãng được nhập khẩu và phân phối trực tiếp. Hoặc ghé qua các cửa hàng chính hãng để mua hàng.
Ngoài ra, ứng dụng kiểm tra mã hàng cũng là một trợ thủ đắc lực cho việc phát hiện hàng giả. Chúng giúp cung cấp tất cả thông tin về sản phẩm từ nơi sản xuất, đường link mô tả sản phẩm... đặc biệt là với những dòng sản phẩm như quần áo, phụ kiện, giày dép. Nếu sản phẩm bạn kiểm tra không tồn tại trên ứng dụng thì đó có thể là đồ giả./.