Miền Bắc khó kiểm soát dịch sốt xuất huyết, chân tay miệng

Ninh Bình là địa phương có số ca mắc tay chân miệng nhiều nhất ở miền Bắc, có tới 60% số ca bệnh là do chủng virus nguy hiểm EV71

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên người vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và khó kiểm soát. Đáng lưu ý là số ca mắc chân tay miệng chưa có dấu hiệu giảm và có xu hướng lan nhanh tại các tỉnh miền Bắc.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, dịch sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng tại nhiều tỉnh, thành phố vẫn tăng cao. Chỉ trong tháng 6, cả nước có gần 1.760 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 tỉnh, thành phố (trong đó có 3 người tử vong). Tính chung từ đầu năm, tổng số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là trên 17.500 người và (14 người tử vong). Đáng lo ngại hơn, dịch bệnh tay  chân miệng tiếp tục bùng phát mạnh. 6 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận trên 13.000 ca mắc tay chân miệng, chủ yếu là trẻ em và đã có (40 trường hợp tử vong). Hiện tại, nhiều địa phương tiếp tục có người mắc bệnh tay chân miệng, chủ yếu là khu vực phía Nam và một số tỉnh miền Trung. Ở miền Bắc, nhiều địa phương cũng có số bệnh nhân mắc tay chân miệng tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả giám sát của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho thấy, phần lớn các ca bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng tập trung ở miền Nam. Tại miền Bắc đã ghi nhận 14 trường hợp ở 6 tỉnh mắc tay chân miệng. Ở Hà Nội, bắt đầu xuất hiện một vài trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, 250 ca sốt xuất huyết. Còn tại Bắc Ninh, ngành y tế giám sát và phát hiện 6 trường hợp nghi mắc bệnh tay chân miệng và 2 bệnh bênh mắc sốt xuất huyết. Để đề phòng nguy cơ dịch chân tay miệng và sốt xuất huyết lan rộng, ngành Y tế Bắc Ninh đã triển khai đồng bộ các biện pháp từ điều trị tích cực đến tuyên truyền cách phòng bệnh cho nhân dân. Bác sĩ Nguyễn Khắc Từ, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Khi phát hiện có bệnh nhân, chúng tôi xử lý điều trị tại cơ sở y tế. Triển khai các biện pháp bao vây khống chế ổ dịch. Ngay từ khi có thông tin dịch tay chân miệng và sốt xuất huyết gia tăng ở miền Nam, chúng tôi đã có công văn hướng dẫn ở các địa phương để phát hiện sớm bệnh. Đồng thời, đưa nội dung tuyên truyền cách phòng bệnh phát sóng trên đài truyền thanh các địa phương”.

Ninh Bình là địa phương có số ca mắc tay chân miệng nhiều nhất ở miền Bắc, với hơn 300 ca mắc từ đầu năm, trong đó có tới 60% số ca bệnh là do chủng virus nguy hiểm EV71 gây ra. Hiện tại, trung bình mỗi ngày khoa Nội Nhi, Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình tiếp nhận 30 người đến khám và điều trị bệnh chân tay miệng. Trong đó, có một số trường hợp bị nặng do phát hiện muộn. Bác sĩ Nguyễn Văn Yên, Khoa Nội nhi, Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình khuyến cáo bệnh tay chân miệng có những triệu trứng ban đầu giống một số bệnh khác như bệnh viêm da, thủy đậu, sốt phát ban. Do vậy, các bậc phụ huynh cần hiểu rõ các triệu trứng của bệnh để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời. “Nếu trẻ bị sốt, có tổn thương lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối. có mọc mụn nước, viêm loét trong miệng thì phải đưa đến cơ sở y tế để được điều trị. Nếu trẻ bị bệnh thì cách ly, không cho trẻ đi đến trường để lây sang trẻ lành bệnh”- Bác sĩ Nguyễn Văn Yên nói.  

Theo nhận định của Cục Y tế dự phòng, năm nay số ca mắc tay chân miệng tăng nhanh và diễn biến phức tạp hơn. Nguyên nhân do đường lây bệnh dễ dàng, tác nhân gây bệnh khác nhau, việc phát hiện và cách ly ở cộng đồng chưa hiệu quả. Hơn nữa, nhận thức của người dân về căn bệnh này còn hạn chế, khiến dịch diễn biến phức tạp và khó kiểm soát./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên