Miền núi phía Bắc ứng phó với nguy cơ lũ quét, sạt lở đất
VOV.VN -Các địa phương đã triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ, đập và vùng hạ du.
Đêm 14/8, bão số 7 sẽ đi vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Dự báo các tỉnh vùng núi phía Bắc và khu Đông Bắc có mưa vừa, mưa to có thể xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Để chủ động phòng chống, các địa phương đang tích cực triển khai nhiều biện pháp.
Để chủ động, sẵn sàng ứng phó hoàn lưu bão số 7 có khả năng gây mưa to và lũ lớn trên hệ thống sông Cầu, sông Công, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ, đập và vùng hạ du. Riêng công trình hồ Núi Cốc, vận hành điều tiết đúng quy trình, thống nhất kế hoạch xả lũ, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. Bên cạnh đó, có kế hoạch cụ thể di dời dân ở các điểm nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở bờ sông, suối, núi…
Ông Bùi Tiến Chính, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Để phòng tránh con bão số 7 vào, trước đó tỉnh đã chỉ đạo các công ty khai thác và các huyện xả nước đến cốt nước mực nước dâng bình thường để đảm bảo an toàn cho hồ. Đặc biệt trước khi xả nước ở các hồ, trước mấy ngày chúng tôi sẽ có công văn gửi Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện, xã tuyên truyền cho nhân dân biết được việc xả lũ rồi quy định giờ nào xả lũ, khối lượng như thế nào lượng nước như thế nào để nhân dân biết chủ động phòng tránh”.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Cao Bằng chỉ đạo các huyện rà soát hồ đập, những vùng thấp ven sông suối… Đặc biệt những nhà dân gần khu vực sạt lở nguy hiểm, vận động người dân di dời khi nước lũ dâng cao. Đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc các lực lượng sẵn sàng ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.
Ông Nguyễn Ngọc Truyền, Chánh văn phòng ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Cao Bằng cho biết: “Hiện nay, theo số liệu tổng hợp toàn tỉnh còn hơn 600 hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất và lũ quét cao. Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo tất cả những vùng có nguy cơ đều phải triển khai các biện pháp phòng tránh. Đặc biệt là việc tổ chức sẵn sàng các lực lượng hỗ trợ sơ tán người dân khi có tình huống xấu xảy ra. Những vùng có nguy cơ bị chia cắt thì tiếp tục triển khai biện pháp chuẩn bị một số nhu yếu phẩm thiết yếu./.