Miền Trung gồng mình chống lũ
VOV.VN -Tại tỉnh Bình Định, đợt lũ này đã làm 12 người chết, 2 người mất tích; hơn 98.000 nhà dân bị ngập
Chiều và tối nay (16/11), nhiều nơi ở các tỉnh miền Trung, lượng mưa giảm dần, nhưng mực nước các sông từ Quảng Nam đến Bình Định vẫn còn ở mức cao, hàng nghìn nhà dân ngập chìm trong biển nước. Mưa lũ đã làm 21 người chết, 7 người mất tích. Hiện các tỉnh miền Trung đang khẩn trương cứu trợ người dân vùng bị cô lập.
Nhà bị trôi ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định (Ảnh: Võ Thái Bình) |
Tại tỉnh Bình Định, đợt lũ này đã làm 12 người chết, 2 người mất tích; hơn 98.000 nhà dân bị ngập; Hàng ngàn gia súc, gia cầm bị chết, hàng chục ngàn km đê sông, kênh mương bị vỡ, hư hỏng. Quốc lộ 1A đoạn đi qua thị xã An Nhơn bị ngập sâu hơn 1 mét, tuyến đường nối Quốc lộ 1A đến sân bay Phù Cát bị tắc do ngập nước, các tuyến bay từ Quy Nhơn bị đình trệ; Quốc lộ 19 từ TP Quy Nhơn đi huyện Tây Sơn và các tỉnh Tây Nguyên bị ách tắc nhiều đoạn.
Chiều nay, nhiều hộ dân vẫn phải chạy đồ vì nước rút chậm (ảnh: Thanh Long) |
Ông Lê Văn Khôi, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa đi xe bị kẹt lại trên đường Quốc lộ 1, đoạn qua thị xã An Nhơn kể: “Từ sáng giờ tôi ăn mới hết 10.000 đồng, bởi không có tiền. Từ 5 giờ tôi ra đây đã nghẽn đường cả chục cây số. Nhà tôi có người bị ốm, đêm nay, ở đây tôi nóng ruột lắm”.
UBND tỉnh Bình Định đã xuất mì tôm, lương thực dự trữ ứng cứu người dân. Sáng nay, lãnh đạo Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam BIDV đã hỗ trợ cho nhân dân vùng lũ Bình Định 2.000 thùng mì tôm và hỗ trợ gia đình có người bị chết 5 triệu đồng, gia đình có người bị thương 3 triệu đồng. Hiện số hàng cứu trợ của tỉnh đã được chuyển đến các địa phương giúp đỡ người dân.
(ảnh: Thanh Long) |
Tại tỉnh Quảng Ngãi, mưa lũ đã làm 7 người chết, 3 người mất tích và 8 người bị thương. Với 11 tàu cá cùng 6 ngư dân của xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa bị đứt dây neo tại cửa sông Phú Thọ, trôi ra biển, Biên phòng tỉnh đã kéo được 5 phương tiện và 6 lao động an toàn, 3 phương tiện đã bị chìm, hiện vẫn còn 3 phương tiện trôi trên biển. Mưa lũ cũng gây sạt lở, ách tắc nhiều tuyến giao thông lên các huyện miền núi Sơn Tây, Sơn Hà, Tây Trà, Trà Bồng và Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Hôm nay, lực lượng công an, quân đội và các đoàn công tác về các địa phương hỗ trợ di dời dân, lương thực, cấp nước uống cho người dân vùng bị ngập sâu.
Giường chiếu, đồ đạc phải chuyển hết lên trên đường (ảnh: Thanh Long) |
Đại tá Nguyễn Thanh Tranh, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi cho hay: “Lực lượng công an tỉnh đã chỉ đạo công an các huyện dùng ca nô để đưa các hộ dân bị ngập đến nơi toàn, lực lượng công an cũng đã có mặt khi lũ rút để cứu trợ cho bà con; cùng với các lực lượng huy động giúp dân khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra”.
Tại tỉnh Quảng Nam, mưa lũ đã làm 2 người chết 1 người bị mất tích. Một số nơi ở huyện Đại Lộc bị ngập 3 mét, cô lập hoàn toàn. Sáng nay, các địa phương tỉnh Quảng Nam đã sơ tán 4.000 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến những nhà cao, kiên cố tránh lũ. Mưa lớn cộng với lũ quét khiến tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14E đoạn qua tỉnh Quảng Nam bị sạt lở nhiều đoạn.
Những thùng mỳ tôm được chuyển đến bà con vũng lũ |
Bà Phạm Thị Nghĩa, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết: "Lúc 1h30 nước lên nhanh, tôi dọn không kịp, phải mượn mấy người hàng xóm xúm vào dọn dùm. Giờ mà nước lên nữa thì cũng để yên chứ không dọn được nữa”.
Trong đợt lũ này, hơn 11.000 nhà dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế bị ngập, tập trung ở các huyện huyện Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Trà, thành phố Huế... Hiện mực nước lũ đang rút chậm nên nhiều nơi vẫn còn ngập sâu trong lũ./.