Miền Trung khắc phục hậu quả do bão lốc và mưa lũ
VOV.VN -Bão số 11, lốc xoáy và đợt mưa lũ trong những ngày vừa qua ở miền Trung đã làm 11 người chết và mất tích.
Mưa lớn trong mấy ngày qua cộng với thuỷ điện cấp tập xả lũ khiến mực nước trên một số sông ở Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam dâng cao, gây ngập lụt tại nhiều địa phương.
Đến sáng nay, lũ trên các sông đã đạt đỉnh và đang xuống chậm. Chính quyền các địa phương này đang tập trung khắc phục hậu quả bão số 11, lốc xoáy và mưa lũ.
Ngổn ngang sau bão số 11 |
Tại tỉnh Quảng Bình, mưa to, kết hợp với triều cường đã làm trên 10.000 nhà dân ở các địa phương như: Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy... ngập lụt sâu từ 50 cm đến trên 3m. Một số tuyến đường giao thông quan trọng như Đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 12A, cầu Cha Lo 3, đường 15 có nhiều đoạn bị ngập nặng, có tuyến ngập sâu từ 2-3 m, nhiều nơi nước lũ dâng cao gây chia cắt giao thông hoàn toàn. Tuyến đường sắt Bắc-Nam cung Lệ Sơn-Đồng Lê bị sạt lở nghiêm trọng.
Mưa lũ đã làm 6 người thiệt mạng, 30 người khác bị thương, hơn 730 ngôi nhà bị lốc xoáy làm sập đổ, tốc mái và hư hỏng.
Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình đã kịp thời thăm hỏi các gia đình có người thiệt mạng, người bị thượng nặng, nhà bị sập do mưa lũ.
Sáng nay, nước lũ đã xuống, tỉnh Quảng Bình đã huy động hàng trăm cán bộ chiến sĩ lực lượng quân đội, công an, biên phòng xuống cơ sở giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
Ông Nguyễn Lương Bình, Phó Bí thư huyện ủy Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết: Ban Thường vụ Huyện uỷ chỉ đạo UBND huyện trích từ ngân sách dự phòng của huyện hỗ trợ mỗi hộ có nhà sập 7 triệu đồng để khắc phục hậu quả. Ngoài ra, Uỷ ban MTTQ huyện cũng hỗ trợ mỗi hộ từ 3 đến 5 triệu đồng, Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ mỗi nhà 1 triệu đồng.
Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế đến sáng nay vẫn còn trên 400 hộ dân ở các xã vùng trũng bị ngập, gây khó khăn trong sinh hoạt, đi lại. UBND huyện Quảng Điền tập trung giúp dân khắc phục hậu quả bão số 11, và giúp đỡ người dân ở các các vùng ngập lũ, giúp họ vượt qua khó khăn.
Ông Nguyễn Đình Đức, Phó chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết: "UBND huyện cương quyết không cho bà con ra đánh bắt thủy sản khi nước đang còn cao. Những khu vực nước sâu, bị sạt lở trong lũ bão thì cắm biển và không cho bà con đi lại trong khu vực đó".
Sau nhiều ngày tập trung khắc phục, đến nay, hơn 80% số lượng cây xanh ngã đỗ do bão số 11 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã được thu gom. Công ty Công viên cây xanh, Môi trường đô thị được sự hỗ trợ của lực lực vũ trang và người dân tiếp tục thu gom số cây xanh còn lại. Hầu hết các khu vực ở trung tâm ở thành phố Đà Nẵng cũng đã được cấp điện trở lại. Công ty Điện lực Đà Nẵng tiếp tục huy động lực lượng khắc phục sự cố, đảm bảo cấp điện cho các vùng còn lại.
UBND thành phố Đà Nẵng cũng quyết định hỗ trợ đột xuất đối với hộ gia đình bị thiệt hại do bão số 11. Theo đó, gia đình có người thiệt mạng và mất tích được hỗ trợ 6 triệu đồng/người; hộ có người bị thương phải vào nhập viên là 3 triệu đồng/người; hộ có nhà bị sập 10 triệu đồng/hộ và nhà bị tốc mái hoàn toàn 4 triệu đồng…
Bà Nguyễn Thị Bích, ở phưòng Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho biết: "Trong khi chờ đợi cấp trên giải quyết thì bà con tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Bà con hàng xóm người thì giúp đỡ cái này, cái khác giúp nhau vượt qua khó khăn".
Đến sáng 17/10, tại Quảng Nam nước trên các sông đã rút, bà con di sơ tán tránh lũ đã về nhà. Hiện tỉnh Quảng Nam đang huy động cán bộ chiến sỹ như bộ đội, công an, thanh niên xuống địa bàn thiệt hại giúp dân dọn dẹp, dựng lại nhà cửa bị sập tốc mái, sớm ổn định cuộc sống.
Ông Văn Bá Năm, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết: "Ưu tiên là chăm sóc điều trị cho những người bị thương rồi sửa chữa những nhà sập để cho dân sớm ổn định đời sống".
Như vậy, bão số 11, lốc xoáy và đợt mưa lũ trong những ngày vừa qua ở miền Trung đã làm 11 người thiệt mạng và mất tích. Riêng tại Quảng Bình đợt mưa lũ và lốc xoáy trong 2 ngày qua đã làm 6 người thiệt mạng, 30 người bị thương. Qua đây cho thấy công tác đề phòng hoàn lưu bão số 11 của chính quyền và người dân tại một số địa phương vẫn còn chủ quan. Người dân và chính quyền địa phương ở miền Trung cần thận trọng hơn trong công tác đối phó với tình hình mưa lũ đang còn diễn biến phức tạp./.