Món ăn đặc trưng ngày Tết của các dân tộc Việt Nam
Thứ Bảy, 07:18, 21/01/2017
VOV.VN - Dưới đây là những món ăn đặc trưng của các dân tộc Việt Nam trong dịp Tết cổ truyền.
Dân tộc Kinh: Ẩm thực ngày Tết vô cùng phong phú và phổ biến với những món ăn đặc trưng như bánh chưng, thịt đông, dưa hành (miền Bắc) hay bánh tét, củ kiệu, canh khổ qua (miền Nam),… |
Dân tộc Mông: Bánh dầy là thứ không thể thiếu trên mâm cỗ tết của người Mông. Họ sẽ cùng nhau thưởng thức món bánh này để chào đón một năm mới hạnh phúc, no đủ hơn. |
Dân tộc Thái: Người Thái sống chủ yếu ven các con sông và họ rất giỏi nghề đánh bắt và chế biến cá. Do đó mâm cỗ tết của người dân tộc Thái không thể thiếu nguyên liệu quan trọng này, nó được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn: cá nướng, cá sấy, cá sả, cá độn cơm,… |
Dân tộc Mường: bánh chưng cũng là thực phẩm thiết yếu của người Mường trong ngày Tết. Bên cạnh đó còn phải có món cá ướp chua, món ăn dân dã mà vô cùng độc đáo của con người nơi đây. Họ vẫn tin theo quan niệm: “Ăn một miếng cá chua, sáng mắt cả năm”. |
Dân tộc Cơ Tu: Với người dân Cơ Tu, tết mà không có rượu và bánh sừng trâu thì không phải là tết. Những món ăn tuy dân dã nhưng hàm chứa ý nghĩa tâm linh của người dân địa phương. |
Dân tộc Nùng: người Nùng thường ăn bánh cao (bánh khảo) và bánh tro trong ngày Tết. Người khách khi đến chơi nhà có thể đánh giá tay nghề của gia chủ thông qua những món ăn truyền thống. |
Dân tộc Dao: Vào dịp Tết, mỗi gia đình đều có một vại thịt chua (ò sui) được chuẩn bị trước đó vài tuần. Món ăn tuy bình dị, dân dã nhưng lại vô cùng quan trọng với người dân tộc Dao. |
Dân tộc Tày: thịt lợn quay là món ăn nổi tiếng của người Tày ở Văn Lãng (Lạng Sơn). Họ tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu cho đến cách chế biến sao cho những miếng thịt lợn ngon và đẹp mắt nhất. |
Dân tộc Tây Nguyên: đa phần các dân tộc Tây Nguyên đều không thể thiếu thịt nướng, rượu cần và cơm lam trong ngày Tết. Tuy nhiên, cách chế biến và thưởng thức nó lại phụ thuộc theo từng vùng miền. |
Dân tộc Chăm và Khơ-me: được làm từ hỗn hợp bột gạo nếp, đường, trứng gà và men rượu, đã từ lâu bánh củ gừng trở nên quan trọng với cộng đồng người Chăm cũng như người dân tộc Khmer ở Đồng bằng Sông Cửu Long. |