Một vai hai gánh

(VOV) - "Tôi đã quyết định chọn con đường đi này, làm mẹ đơn thân, nuôi con một mình và lẽ ra tôi … không nên khóc".

Đó là tâm sự chân thành của một bà mẹ đơn thân sau nhiều năm đóng vai trò của cả cha lẫn mẹ. Những cảm xúc đan xen, giằng xé, vui có, buồn có, hẫng hụt có, và đôi khi suy sụp cũng có.

Phụ nữ khi yêu hết mình thường mù quáng và vì thế nhiều người phải chịu những thiệt thòi, những nỗi đau do người đàn ông họ yêu để lại. Trong số đó có không ít phụ nữ đã chấp nhận cuộc sống gia đình khuyết đi một nửa để nuôi con một mình.

Những phụ nữ đơn thân ấy bao gồm cả những cô gái mạnh mẽ, có công việc ổn định, thu nhập cao nhưng họ lại không thích lấy chồng mà chỉ muốn có con. Hay một số khác không hạnh phúc với tổ ấm ban đầu, mất niềm tin ở đàn ông, và không muốn bước đi một bước nữa vì lo lắng cho con, họ sẵn sàng chấp nhận cuộc sống “một vai hai gánh”.

Trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều hội mà ở đó những người cùng cảnh tụ hợp lại với nhau để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và giúp nhau vượt qua những khó khăn mà họ đang gặp phải. Trong các "hội" ấy có những cái tên nghe không còn xa lạ như Hội những người mẹ đơn thân hay Hội gà mẹ nuôi gà con.

Mai Thị Lệ C. (32 tuổi, Hà Nội) là một ví dụ. Xuất thân trong một gia đình có bố là giáo và mẹ là bác sĩ tâm lý, C. làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài với mức lương cao và hiện đang nuôi con một mình.

C. bảo, hồi mang thai em bé, gia đình và bạn bè của chị khuyên chị không nên sinh con vì bố cháu không thừa nhận. Cả dòng họ lẫn khu phố “ném đá” chị vì cái tội không chồng mà chửa. Nhưng C. đã vượt qua được dư luận, và không nỡ từ bỏ giọt máu của mình bởi theo chị đứa bé có quyền chào đời và mẹ con chị yêu thương nhau là đủ.

C. kể lúc mới sinh con cũng rất vất vả và bị trầm cảm một thời gian. Nhưng nhờ có sự chăm sóc của ông bà ngoại và bạn bè thân thiết, và đặc biệt là “thiên thần nhỏ” giúp chị nhanh chóng lấy lại cân bằng và khởi đầu một cuộc sống yên vui trở lại. “Mỗi khi nhìn thấy nụ cười của con là bao mệt mỏi của tôi tan biến hết. Bao tình cảm và yêu thương tôi dành tất cả cho con mình, và dường như bé cũng cảm nhận được điều đó, luôn nghe lời mẹ và quấn quýt bên mẹ,”  chị nói.

C. cho rằng khi người đàn ông đã từ bỏ quyền làm cha thì anh ta đã đánh mất hết tình cảm của người phụ nữ dám hy sinh tất cả vì tình yêu.

Trường hợp của Hồng H. ở Nam Định thì lại khác. H. lập gia đình từ sớm vì lỡ mang thai khi còn đang ngồi trên giảng đường. Sau khi sinh con, điều kiện kinh tế khó khăn, khiến hai vợ chồng thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn. Chồng H. lại hay đi công tác xa nên mọi việc nặng nhẹ trong gia đình đều do một tay chị quán xuyến. Quá bức xúc với sự thờ ơ của chồng và thói trăng hoa của anh trong những chuyến công tác H. đã quyết định ly hôn và nhận quyền nuôi con.

Không muốn bố mẹ phiền lòng vì nhìn cảnh của hai mẹ con, H. đã chuyển vào TP.HCM sinh sống. Với sự giúp đỡ của một người bạn thân từ thời học đại học. Giờ chị đã có công việc ổn định, mua được căn hộ chung cư nhỏ. Con chị giờ đã 5 tuổi, H. mãn nguyện và hạnh phúc vì sự lựa chọn của mình và năm nào cô cũng dẫn con về thăm ông bà.

Tuy vậy, không phải cô gái nào cũng may mắn có được công việc ổn định, sự ủng hộ của bè bạn, gia đình giúp họ làm tròn vai trò của bà mẹ đơn thân. Bất chấp gia đình phản đối, L.T.H (37 tuổi, Nghệ An) vẫn chấp nhận nuôi con một mình sau khi không thể sống chung dười một mái nhà với người chồng suốt ngày say xỉn quát nạt vợ. Một nách hai con, đồng lương ít ỏi mà chị dành dụm được từ công việc thời vụ mà chị đang làm cho một nhà máy gạch không đủ trang trải cho cả 3 mẹ con và tiền thuê nhà. Đôi khi chị cũng cảm thấy ân hận vì quyết định của mình, giá mà chị bình tĩnh hơn, nhẹ nhàng hơn để khuyên bảo chồng thì đâu đến nỗi. Chồng chị sau khi ly hôn đã đi bước nữa và hiện giờ lại chí thú làm ăn, lo cho vợ con. Chị nhìn mà không khỏi tủi thân cho cảnh cô đơn lẻ bóng và sự thiệt thòi của 2 con nhỏ.

Chị nói, “khi mới cưới nhau hắn cũng tử tế lắm, vì cảnh con nhỏ nhà nghèo nên mới sinh chán nản rượu chè. Cũng là do mình không nhẫn nhịn dẫn đến to tiếng và chia tay. Thôi thì số mình đã vậy mình phải chịu. Giờ cũng chẳng thể mong gương vỡ lại lành”.

“Đôi khi cũng đắng lòng lắm khi con hỏi tại sao bố không ở cùng mẹ con mình, tại sao bố mẹ lại ở riêng,” chị ngậm ngùi chia sẻ.

Xã hội ngày nay không còn quá khắt khe với những bà mẹ đơn thân bởi ai cũng có quyền lựa chọn cuộc sống cho riêng mình, miễn sao cảm thấy hạnh phúc với lối đi mà mình đã chọn và dám đương đầu với khó khăn thách thức. Chỉ tiếc một điều có nhiều người đàn ông đã đánh mất đi quyền làm bố đầy thiêng liêng, không biết họ sẽ nghì gì khi nghe các em bé cất lên tiếng hát: “Bố là tàu lửa. Bố là xe hơi. Bố là con ngựa em cưỡi em chơi. Bố là thuyền nan cho em vượt sóng. Bố là sông rộng cho thuyền em bơi…”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên