Một xét nghiệm đơn giản giúp phát hiện sớm suy tim
Vấn đề của bệnh suy tim là các triệu chứng của nó không có tính đặc thù, nghĩa là việc chẩn đoán không dễ dàng. Người bệnh vẫn sinh hoạt bình thường mà không hề biết mình đang mắc một căn bệnh có thể dẫn đến tử vong!
Bác sĩ James L. Januzzi, GS Trường Y khoa Harvard, Cố vấn Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Boston, Mỹ cho biết: “Vấn đề của bệnh suy tim là các triệu chứng của nó không đặc hiệu, nghĩa là việc chẩn đoán không dễ dàng, đặc biệt ở các giai đoạn sớm của bệnh, và người bệnh vẫn sinh hoạt bình thường – kéo dài trong nhiều năm – mà không hề biết mình đang mắc một căn bệnh có thể dẫn đến tử vong”.
Tại buổi họp báo tổ chức bên lề Hội nghị tim mạch các nước Đông Nam Á lần thứ 17 (tổ chức tại Hà Nội từ 18 đến 21/10/2008), bác sĩ Januzzi đã trình bày những khuyến cáo từ nhóm chuyên gia quốc tế đầu ngành, mà ông là đồng chủ tọa, về ứng dụng lâm sàng của xét nghiệm NT-proBNP. Những khuyến cáo này, lần đầu tiên được thảo luận tại Việt Nam, đã được xuất bản trên Tạp chí Tim mạch Hoa Kỳ (American Journal of Cardiology). Nhóm chuyên gia đã kết luận NT-proBNP có thể là một công cụ tầm soát hữu ích trong cộng đồng để phát hiện những bất thường về tim mạch và dự đoán các biến cố tim mạch trong tương lai như suy tim.
Nhiều người hiện nay chưa có những hiểu biết đúng về bệnh suy tim. Suy tim xảy ra khi cơ tim bị suy yếu và không còn khả năng bơm đủ máu đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Nói chung, đó là một quá trình diễn ra từ từ và không gây chú ý trong nhiều năm, và 1/3 người trưởng thành có nguy cơ phát triển những bệnh tim mạch, trong đó có suy tim, trong vòng hơn mười năm sắp tới mà chưa được chẩn đoán. Theo bác sĩ Januzzi: “Trong bệnh lý tim mạch, NT-proBNP đã được chứng minh là một xét nghiệm tin cậy và chính xác nhất để chẩn đoán và đánh giá nguy cơ của bệnh nhân”. Xét nghiệm NT-proBNP một cách đều đặn ở nhóm bệnh nhân có nguy cơ có thể giúp chẩn đoán sớm và đánh giá khả năng xuất hiện các biến cố tim mạch trong tương lai, trong khi chẩn đoán chỉ dựa trên lâm sàng có thể cho một kết quả khác.
Nhờ đó, những người có nguy cơ suy tim có thể được chẩn đoán sớm hơn và được điều trị thích hợp để ngăn ngừa sự tiến triển căn bệnh nguy hiểm này.
Nhóm dân số có nguy cơ suy tim bao gồm những người mắc bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh mạch vành hay những người trên 60 tuổi. Chẩn đoán sớm và chính xác suy tim, bệnh nhân sẽ bắt đầu được điều trị. Can thiệp bằng thuốc và thay đổi lối sống là chọn lựa điều trị rất có hiệu quả đối với suy tim từ nhẹ đến trung bình. “Tuy nhiên, điều quan trọng là phải bắt đầu can thiệp từ sớm vì những tổn thương đã gây ra cho tim trong giai đoạn nặng của bệnh sẽ không thể phục hồi và sẽ dẫn đến tử vong.”- bác sĩ Januzzi nhấn mạnh.
Giáo sư Bác sĩ Phạm Nguyễn Vinh – Giám Đốc Y khoa bệnh viện tim Tâm Đức, Cố vấn Cấp cao Viện Tim TPHCM, Phó trưởng khoa Nội trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng cho biết: “Tại Việt Nam, số người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch ngày càng tăng.” Bởi vậy, tầm soát đều đặn nhóm nguy cơ cao, hay với bất kỳ người nào trên 60 tuổi, không những giúp họ kéo dài tuổi thọ mà còn làm giảm đáng kể gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Ông khuyên rằng những ai có các yếu tố nguy cơ tim mạch nên đi khám bác sĩ để hỏi thăm về tình hình bệnh của mình và làm các xét nghiệm cần thiết. Người có nguy cơ tim mạch ở Việt Nam là nhóm người: Hút thuốc hay đã từng hút thuốc, bị tăng huyết áp, đái tháo đường, đã biết có bệnh mạch vành, bệnh thận, Cholesterol cao, trên 60 tuổi, hoặc tiền sử gia đình có người thân có bệnh tim mạch./.