Mưa to, lốc xoáy tại Phú Thọ, 2 người bị thương
Mưa lốc đã làm 6 nhà văn hóa xã, 5 phòng học và 1 trạm y tế bị tốc mái; hơn 40ha hoa màu và gần 30ha lúa bị hư hỏng…
Sau nhiều ngày nắng nóng gay gắt, các cơn mưa to bất ngờ vào buổi chiều kèm theo lốc xoáy đã gây thiệt hại nặng về tài sản và làm 2 người bị thương tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh trong những ngày qua.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) tỉnh, mưa lớn kèm theo lốc xoáy giật mạnh làm 2 người tại xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn bị thương do cây đổ va vào khi đang trên đường đi làm về.
Tại hai huyện Thanh Sơn và huyện Yên Lập, mưa lốc đã làm 6 nhà văn hóa xã, 5 phòng học và 1 trạm y tế bị tốc mái; làm đổ gãy 2 cột điện và làm đứt hơn 200m dây điện hạ thế; 336 nhà dân bị hư hại, tốc mái, trong đó 9 nhà bị đổ sập; hơn 40ha hoa màu và gần 30ha lúa bị hư hỏng. Mưa giông lốc xoáy bất ngờ cũng đã làm sập, tốc mái nhiều nhà dân và làm nhiều diện tích hoa màu bị đổ ngã...
Ban chỉ huy PCLB tỉnh và các huyện, các địa phương bị thiên tai đã nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Chính quyền địa phương cũng đã huy động lực lượng tại chỗ và cộng đồng tương trợ, giúp đỡ hộ dân khắc phục hậu quả; đồng thời tổ chức thăm hỏi những người bị thương và hỗ trợ những hộ dân bị sập đổ nhà.
Đồng thời, tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng rà soát thống kê các gia đình bị thiệt hại về nhà ở; chú ý quan tâm những gia đình chính sách, gia đình thuộc diện xóa nhà dột nát, hộ nghèo . Tỉnh và các địa phương tranh thủ các nguồn lực, chương trình dự án và vận động sự ủng hộ của cộng đồng để hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do mưa, lốc xoáy gây ra.
Theo dự báo, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã yêu cầu các Sở, ngành, huyện, thành, thị quyết liệt triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó và giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, lụt bão gây ra.
Các địa phương đã phân công rõ trách nhiệm, địa bàn cho từng thành viên, tăng cường kiểm tra các công trình phòng chống lụt bão (đê, kè, cống dưới đê, hồ đập...), xác định rõ các khu vực trọng điểm, xung yếu cần bảo vệ, khắc phục, xử lý ngay các sự cố công trình gây mất an toàn trước mùa mưa lũ; có kế hoạch sửa chữa, bổ sung mới trang thiết bị, phương tiện, vật tư để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Ngoài ra, xây dựng phương án phòng chống lụt bão cho tất cả các công trình, đặc biệt các công trình có nguy cơ mất an toàn phải chi tiết, cụ thể sát với thực tế và kèm theo phương án sơ tán dân; bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra trước và sau mưa lũ, tuần tra canh gác trong khi mưa lũ, chuẩn bị đủ lực lượng, vật tư dự trữ, phương tiện và dự phòng kinh phí để sẵn sàng đáp ứng với khả năng cao nhất khi có sự cố thiên tai xảy ra trên địa bàn theo đúng phương châm “4 tại chỗ”.../.