Mực khô giả, không nhãn mác tràn lan thị trường
Trong khi chờ kết luận chính xác từ các cơ quan chức năng thì mực khô giả, không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ vẫn bày bán tràn lan trên thị trường và người tiêu dùng phải đối mặt với nguy cơ ngộ độc từ sản phẩm này.
Tràn lan mực khô giả, không nguồn gốc
Anh Hoàng Anh ở Đống Đa, Hà Nội mua một ít mực khô xé về dùng. Khi mang ra sử dụng, anh thấy sợi mực có màu hồng khá đậm, mềm hơn bình thường, xốp chứ không dai, ăn thì không có vị ngọt, thơm như mực bình thường. Trên sợi mực không có phần giữa là phần ống mực khô đã bị bóc đi. Đặc biệt, khi đem ra đốt thử sợi mực cháy rất nhanh. Tuy nhiên, điều làm anh thắc mắc là chiều dài của sợi mực có cái lên tới 20cm, có cái dài hơn, “Tôi nghĩ không thể có con mực có bề ngang to thế này mà người ta lại phí công chế biến thành mực xé được, tôi nghĩ đó là mực giả” - anh Hoàng Anh nghi ngờ.
Theo ông Trần Lâm, chuyên gia của Viện Hoá học (Viện Khoa học Việt Nam), loại mực này có khả năng được tạo thành từ hợp chất của xenlulo, tẩm ướp hương vị mực kết hợp với công nghệ cán, ép để sản xuất hàng loạt. Xenlulo vẫn được dùng trong công nghiệp thực phẩm, được tổng hợp từ xơ của củ sắn dây và tinh bột hoặc từ nhiều nguồn bã nguyên liệu khác nhau. Một dạng xenlulo khá phổ biến là kẹo cao su và không gây độc hại. Tuy nhiên, nếu làm thành mực khô khi ăn vào, xenlulo sẽ gây đầy bụng, khó tiêu hoá, khó phân huỷ. Việc tẩm ướp tạo hương vị cho mực là khâu mất vệ sinh và có thể nhiễm hoá chất độc. Vì người sản xuất mực giả có thể vì lợi nhuận sẽ sử dụng những phế liệu từ mực, mực hỏng, thối qua xử lý hoá chất, trộn với xenlulo để tạo ra mùi vị đặc trưng của mực. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng (NTD). Để có thể khẳng định nguyên liệu của loại mực này, cần tiến hành lấy mẫu và phân tích kỹ qua nhiều khâu.
Khảo sát tại một số chợ lớn trên địa bàn Hà Nội, mực khô không có nhãn, mác được bày bán tràn lan. Chợ Đồng Xuân có khoảng 20 gian hàng bán đồ khô, trong đó có mực khô. Theo các chủ hàng ở đây, mực khô chủ yếu được nhập từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Vũng Tàu, Quảng Ninh, giá dao động từ 300.000 - 500.000 đồng/kg, tùy loại mực. Mực khô được gói trong túi ni-lông màu trắng, bên ngoài không có bất cứ dòng ghi chú nào. Loại mực xé sẵn “ăn liền” cũng được bày bán rất nhiều nhưng giá chỉ khoảng 125.000 đồng/kg. Nhãn mác duy nhất cho các túi mực dạng này là dòng chữ “Mực xé sẵn ăn liền” và không có bất cứ chú dẫn nào về nguồn gốc. Tương tự, tại các chợ Nguyễn Công Trứ, Hàng Bè, Chợ Mơ, Thành Công, Chợ Hôm,… đều không có loại mực nào ghi rõ nguồn gốc xuất xứ hay nhãn mác đi kèm. Ngoài những lời cam đoan của chủ hàng thì người mua không có thêm thông tin nào về nguồn gốc cũng như xuất xứ của sản phẩm. Khi hỏi một chủ hàng về nhãn mác sản phẩm mực khô và tại sao giá mực xé lại rẻ hơn mực nguyên con, thì chủ hàng trả lời: “Mực khô lấy đâu ra nhãn, mác!” còn vì sao giá mực xé rẻ hơn thì chủ hàng không trả lời được.
Quản thế nào?
Khi được hỏi về việc kiểm tra mực giả, mực không rõ nguồn gốc trên thị trường, một chuyên viên quản lý thị trường (QLTT) than thở: Vừa rồi lực lượng QLTT đã phải dốc toàn lực lượng tập trung kiểm tra kẹo phát sáng, thanh tra giá sắt, thép trên thị trường nên bây giờ thêm cả mặt hàng mực khô nữa thì làm không xuể. Mực khô chỉ là một mặt hàng nhỏ trong rất nhiều mặt hàng mà QLTT phải kiểm tra. Vì thế, trong một thời gian ngắn, QLTT không thể kiểm tra được hết một lúc các mặt hàng mà phải làm lần lượt từng mặt hàng một. Riêng mặt hàng mực khô, QLTT đã tiến hành kiểm tra nhưng sẽ đẩy mạnh kiểm tra trên toàn quốc trong tháng hành động về an toàn vệ sinh thực phẩm, từ ngày 15/4-15/5 tới.
Theo Sở Y tế Hà Nội, ngay sau khi có thông tin về mực giả, các cơ quan chức năng đã tiến hành lấy một số mẫu mực xé khô ăn liền tại một số cửa hàng đồ khô để xét nghiệm và sẽ công bố kết quả trong thời gian sớm nhất. Nếu kết quả phân tích xét nghiệm khẳng định mực bị làm giả, các cơ quan sẽ vào thanh, kiểm tra trên diện rộng mặt hàng này và truy tới cùng cơ sở nhập loại mực này.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề ghi nhãn, nguồn gốc của sản phẩm, chuyên viên của Cục Quản lý chất lượng hàng hóa (Tổng cục TCĐLCL) cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hoá. Theo đó, nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa gồm: Tên hàng hoá; tên địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá; xuất xứ hàng hoá; Thành phần, thành phần định lượng; Thông số kỹ thuật, thông tin, cảnh báo vệ sinh, an toàn. Tuy nhiên, quy định này còn nhiều kẽ hở, như: Trong Nghị định có quy định “Hàng hoá là thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho NTD thì không bắt buộc phải ghi nhãn”. Quy định như vậy đã tạo kẽ hở cho những đối tượng làm ăn không chân chính.
Mặc dù các cơ quan chức năng vẫn thường xuyên khuyến cáo NTD không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng việc kiểm tra, kiểm soát các thực phẩm này lỏng lẻo và mang nặng tính hình thức như hiện nay thì NTD vẫn phải đối mặt với tình trạng “chờ được vạ thì má đã sưng”./.