Mũi Cà Mau bị xâm thực nghiêm trọng

Mũi Cà Mau có nguy cơ… biến mất do xâm thực từ biển, với nơi sâu nhất vào khoảng 1km

Trước tình trạng xâm thực từ biển, Mũi Cà Mau đang bị sạt lở nghiêm trọng, tỉnh Cà Mau đang triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng này. Tuy nhiên theo chính quyền địa phương, việc này là rất khó nếu không làm quyết liệt.

Theo ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Cà Mau, mức độ sạt lở Mũi Cà Mau diễn ra mỗi ngày một nhanh và nghiêm trọng, nơi sâu nhất vào khoảng 1km. Những nơi khác như bãi cát Khai Long, là điểm thu hút du khách đến với Mũi Cà Mau, rộng 229ha triển khai năm 2004 cũng đang bị sạt lở.

Mặc dù tỉnh đã chỉ đạo Khu du lịch Mũi Cà Mau nhiều lần xây dựng bờ kè, nhưng xây chưa xong đã sạt xuống biển. Bờ kè đầu tiên được xây dựng bằng đá hộc, cặp mé biển, bị sóng cuốn trôi. Sau đó, bờ kè bằng thân dừa dày đặc thành 2 hàng, đổ đất vào giữa cũng bị sóng biển đánh sạt lở.

Dự án xây dựng kè bê tông, tổng dự toán 18 tỷ đồng, do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý thi công 3 năm qua hiện đã trơ cột bê tông cách bờ đất hàng chục mét.

Ông Dũng cũng cho biết, toàn bộ tuyến đê biển Đông Cà Mau (trong đó có Mũi Cà Mau) chưa có đê kè. Việc thiết kế bờ kè bê tông, khai thác cát bãi bồi Mũi Cà Mau để san lấp được coi là một phương án. Nhưng dự án này chưa báo cáo đánh giá tác động môi trường, sợ lấy cát làm tăng sạt lở rộng hơn. Vì vậy, tỉnh phải cho đơn vị thi công dừng lại, tiếp tục nghiên cứu, tìm giải pháp khác.

Trong khi sạt lở liên tục diễn ra gay gắt và chưa có dấu hiệu dừng lại thì tỉnh Cà Mau vẫn chưa tìm ra giải hữu hiệu bởi khó khăn vẫn là kinh phí.

Chiều 13/4, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau có cuộc họp nhằm tìm biện pháp hợp lý và hiệu quả khắc phục tình trạng sạt lở tại Mũi Cà Mau./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên