Năm 2013 có 5- 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam
(VOV) -Công tác phòng, chống lụt bão năm 2012 còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là tư tưởng chủ quan trong một bộ phận nhân dân.
Năm 2013, dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông khoảng 11- 13 cơn; trong đó có từ 5- 6 cơn sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến nước ta. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến về Tổng kết công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2012, bàn các giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2013 và sơ kết 5 năm thực hiện chiến lược Quốc gia về phòng, chống giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020. Hội nghị do Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương phối hợp với Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tổ chức sáng 6/4 tại Hà Nội.
Năm 2012 có 10 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, trong đó có 4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Thiên tai đã làm 258 người chết và mất tích, hơn 6.200 ngôi nhà bị đổ, sập, cuốn trôi, 408.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, sạt lở hơn 3 triệu m3 đất đá… Ước tính tổng thiệt hại về vật chất khoảng 16.000 tỷ đồng. Để hỗ trợ người dân và tỉnh, thành phố bị thiên tai, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ số tiền gần 1.400 tỷ đồng và 6.500 tấn gạo.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát phát biểu tại Hội nghị |
Tại hội nghị sáng 6/4, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: Năm 2013, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông có khoảng 11-13 cơn bão, trong đó sẽ có từ 5-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta. Đáng chú ý là trong mùa mưa năm nay, bão lũ và những hình thái thời tiết xấu còn diễn biến phức tạp. Các địa phương cần chủ động đề phòng bão mạnh, lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Tình hình khô hạn ở các tỉnh Nam Trung bộ có khả năng đến cuối tháng 8 mới dần được cải thiện. Trước tình hình thời tiết khí hậu diễn biến cực đoan và khó lường, các địa phương đã kiến nghị một số giải pháp để hỗ trợ, làm tốt công tác phòng chống thiên tai.
Ông Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định kiến nghị: “Trong những năm vừa qua và trực tiếp là cơn bão số 8 vừa rồi, chúng tôi nhận thấy rằng, mặc dù Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đã rất cố gắng trong công tác dự báo, nhưng qua thực tế để đáp ứng được nhiệm vụ phòng chống lụt bão cần thiết phải đầu tư hơn nữa vào các trạm quan trắc, cũng như đảm bảo được thông tin, dự báo về khí tượng thủy văn chính xác hơn và kịp thời hơn. Chúng tôi rất mong Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần quan tâm đầu tư cho công tác dự báo khí tượng thủy văn cho Trung tâm cũng như là các địa phương ven biển”.
Hội nghị đã xác định 16 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn trong năm 2013; trong đó tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền cho cộng đồng chủ động phòng chống thiên tai; Nâng cao năng lực dự báo khí tượng thủy văn đối với những cơn bão, lũ, sạt lở đất đá; Tăng cường công tác quản lý tàu thuyền giữa các lực lượng biên phòng, công an, hải quân và các địa phương trước, trong và sau khi có bão, thời tiết nguy hiểm.
Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng Trần Quang Khuê, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn nhấn mạnh: “Công tác quản lý tàu thuyền của ngư dân vẫn phải tăng cường, để tiến tới những chế tài nếu tàu nào không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật thì không được đi biển. Hiện nay với nước ta thì bất cứ tàu nào cũng có thể ra khơi được mà không cần phao áo cứu sinh. Do vậy, tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo các địa phương cần tăng cường quản lý tàu cá của ngư dân. Ngoài ra, tổ đội sản xuất trên biển, giữ thông tin liên lạc cũng rất quan trọng cho công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển”.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương nhấn mạnh, công tác phòng, chống lụt bão năm 2012 còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là tư tưởng chủ quan trong một bộ phận nhân dân. Phương án phòng chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai của nhiều địa phương vẫn còn mang tính hình thức, chưa sát với thực tế; việc quản lý, bảo vệ công trình phòng chống lụt bão chưa tập trung đúng mức, tình trạng vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh phòng chống lụt bão còn khá phổ biến...
Bộ Trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các bộ, ngành chức năng và các địa phương cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền cho người dân chủ động phòng chống thiên tai, chỉ đạo rà soát các phương án phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn. Các địa phương chủ động diễn tập phòng chống thiên tai, quan tâm bổ sung trang thiết bị, phương tiện cứu hộ cứu nạn, dự phòng, thực phẩm, thuốc; tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương lồng ghép phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn với việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Bộ Trưởng Cao Đức Phát nêu rõ: “Các ban, ngành cần tiếp tục triển khai theo góc tiếp cận dự phòng là chính, rà soát lại các phương án phòng chống lụt bão của từng địa phương, triển khai tới các doanh nghiệp, thậm chí đến từng hộ gia đình và có chương trình diễn tập cho địa phương mình. Bên cạnh đó, cũng cần kiểm tra, xử lý kịp thời với các sự cố với các công trình phục vụ phòng chống thiên tai nhất là các đê, kè, hồ, đập, việc làm này cần gấp rút triển khai.”
Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện chiến lược Quốc gia về phòng, chống giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 cho thấy đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức của chính quyền các cấp và nhân dân từ bị động đối phó chuyển sang chủ động phòng ngừa, lấy phòng ngừa là chính nên đã giảm thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ yêu cầu phòng chống thiên tai đã được quan tâm đầu tư, khối lượng thực hiện tăng hơn nhiều so với 5 năm trước và sớm phát huy được hiệu quả./.