Nam sinh viên Đại học Bách khoa chết đuối khi tắm biển
VOV.VN -Danh tính sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội tử vong do bị chết đuối là Nguyễn Hoàng Giang (SN 1990, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội).
Chiều 31/8, tại Thanh Hóa xảy ra liên tiếp 2 vụ đuối nước thương tâm khiến một sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội và 1 học sinh cấp hai tử vong.
Danh tính sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội tử vong do bị chết đuối là anh Nguyễn Hoàng Giang (SN 1990, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội).
Theo các nhân chứng kể lại, khoảng hơn 17h chiều 31/8, đi chơi dịp nghỉ lễ 2/9, anh Giang cùng 3 người bạn ra tắm tại bãi biển thuộc xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, do gặp sóng lớn nên cả 4 người này bị dạt ra xa bờ, anh Giang không biết bơi, gặp điểm nước xoáy sâu nên đã tử vong, 3 người còn lại may mắn được cứu sống.
Hồ nước nơi cháu Hoàng bị chết đuối |
Được biết, nhóm sinh viên trên sau khi được nghỉ dịp 2/9 nên đã về quê một người bạn chơi và ra đây tắm biển nên đã gặp nạn. Đến gần 19h cùng ngày, thi thể anh Giang đã được tìm thấy, bàn giao về cho gia đình tổ chức mai táng.
Trước đó, khoảng 13h ngày 31/8, cháu Nguyễn Văn Hoàng (SN 2001, trú xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đã tử vong do bị chết đuối sau khi ra tắm tại một hố công trình khai thác đá Núi Tọng, thôn Thọ Vực, xã Vĩnh Ninh.
Tại thời điểm trên, Hoàng cùng nhóm bạn ra khu vực trên tắm, do không biết bơi khi gặp điểm nước sâu nên cháu đã bị nước nhấn chìm, mặc dù được nhiều người dân chạy đến cứu đưa đi bệnh viện nhưng vẫn không qua khỏi.
Bãi khai thác đá Núi Tụng trước kia do một doanh nghiệp tư nhân khai thác đá ở xã Vĩnh Ninh (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) khai thác. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp này đã bị các cơ quan chức năng huyện Vĩnh Lộc và tỉnh Thanh Hóa tước giấy phép với lý do không đảm bảo an toàn trong lao động, tàn phá tài nguyên môi trường và đặc biệt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến “cung đường di tích văn hóa lịch sử” Thành nhà Hồ - Động Hồ Công (trong đó, di tích Thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2012 còn di tích Động Hồ Công đã được xếp hạng cấp quốc gia).
Một người dân sống cạnh khu vực bãi đá cho biết: Những hồ nước nói trên là do quá trình khai thác đá của doanh nghiệp tạo ra từ trước đó. Vào những ngày bình thường, hồ nước chỉ sâu khoảng 0,5 – 1m, tuy nhiên vào những ngày mưa, nước dồn về các hồ, khiến có nơi nước sâu từ 1,5 – 2,5m. Trẻ em trong thôn khi chăn bò thường xuống các hồ này để tắm, nhiều cháu không biết bơi nên rất nguy hiểm.
Hiện, sự việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ./.