Nạn kinh doanh phân bón giả hoành hành tại Gia Lai
(VOV) -Tỉnh đã phát hiện 13/17 trường hợp vi phạm, phát hiện hàm lượng các chất có trong phân bón không đạt như đã ghi trên bao bì.
Tây Nguyên là vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước, với hơn 1 triệu ha cây trồng, nhu cầu phân bón-thuốc bảo vệ thực vật rất cao và có hàng nghìn cơ sở kinh doanh mặt hàng này. Đây cũng là nơi nạn kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giả- kém chất lượng đang hoành hành, gây thiệt hại cho sản xuất.
Đầu mùa mưa năm nay, gia đình ông Rơ Lah Ke, ở làng Be Tel, xã Ia Roong, huyện Chư Pứh, tỉnh Gia Lai mua gần 3 tấn phân bón để chăm sóc cho hơn 2 ha tiêu năm thứ 8. Theo ông Ke, gia đình đã lựa chọn những loại phân có thương hiệu trên thị trường, thế nhưng sau một đợt bón không thấy biểu hiện của cây tốt lên, ông đem số phân còn lại ra kiểm tra mới biết đó là phân giả.
Tỉnh Gia Lai hiện có gần 76.000 ha cà phê, 6.000 ha hồ tiêu và khoảng 84.000 ha cao su… Đây đều là những cây trồng cho thu nhập cao, từ 120 triệu đồng đến trên 500 hoặc 600 triệu đồng mỗi năm. Phân bón giả không chỉ ảnh hưởng đến năng suất, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng của cây trồng, thậm chí có thể làm cây trồng bị chết, gây thiệt hại kinh tế rất lớn.
Phân bón giả đang gây thiệt hại lớn, nhưng nông dân lại khó tránh, vì không có khả năng phân biệt thật-giả. Bà con chỉ nhận ra sau khi bón cho vườn cây.
Ông Trần Ngọc Hồng, nông dân trồng hồ tiêu ở thôn Plei Đung, xã Ia Hrú, huyện Chư Pứh, tỉnh Gia Lai cho biết: “Bà con rất lo lắng vấn đề này. Phân bón giả sẽ ảnh hưởng đến giống cây trồng. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra các đại lý bán phân, công ty sản xuất phân để bảo đảm vấn đề chất lượng, bảo đảm cho cây trồng”.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý thị trường, Sở Công thương tỉnh Gia Lai đã tổ chức kiểm tra hoạt động sản xuất và kinh doanh phân bón trên địa bàn, phát hiện 13/17 trường hợp vi phạm, nhiều nhất là hàm lượng các chất có trong phân bón không đạt như đã ghi trên bao bì. Cơ quan này cũng đã xử phạt hành chính 572 triệu đồng; tịch thu 74 tấn phân bón các loại; buộc tái chế gần 3.000 tấn. Nghiêm trọng hơn, đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy 12 mẫu phân bón tại 8/11 cơ sở sản xuất, kết quả xét nghiệm cho thấy có tới 9/12 mẫu phân bón không đảm bảo chất lượng.
Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai, cho biết: “Chúng tôi tăng cường tất cả các biện pháp để kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn các cơ sở sản xuất phân bón; xử lý, yêu cầu họ đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Nhà nước. Chúng tôi đề nghị nên đưa phân bón vào mặt hàng kinh doanh có điều kiện, cấp giấy chứng nhận để kiểm tra, giám sát; yêu cầu các cơ sở sản xuất lớn có thương hiệu, có uy tín nên cung cấp hàng đối chứng”.
Ngoài nguồn phân hữu cơ tự sản xuất, mỗi năm các nông hộ ở Gia Lai phải mua cả triệu tấn phân hóa học và phân hữu cơ vi sinh. Ở mỗi huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh, đều có hàng chục cơ sở kinh doanh lớn nhỏ. Nếu tăng cường kiểm tra mà cũng chỉ ở mức 17 trường hợp như từ đầu năm tới nay, sẽ khó để ngăn chặn phân bón kém chất lượng./.