Nghị lực phi thường của cô gái bị bệnh xương thủy tinh

Dù không có khả năng đi lại hay ngồi dậy nhưng bằng ý chí, quyết tâm Thu Thương đã làm ra nhiều sản phẩm thủ công tinh xảo. Cô còn giúp đỡ nhiều người khuyết tật khác vươn lên trong cuộc sống.  

Ngay từ khi chào đời, em Nguyễn Thị Thu Thương ở quận Đống Đa, thành phố Hà Nội đã mắc một căn bệnh quái ác và hiếm gặp. Đó là bệnh xương thủy tinh. Năm nay Thuỷ 27 tuổi và cũng là ngần ấy năm cô chỉ biết nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ người thân giúp đỡ. Thế nhưng với nghị lực phi thường, người phụ nữ này đã làm nên những điều kỳ diệu.

Nếu chỉ nghe Nguyễn Thị Thu Thương hát thì chẳng ai có thể tưởng tượng ra cảnh cô phải nằm liệt giường 27 năm qua vì mắc bệnh xương thủy tinh. Chỉ cần một sự va chạm bình thường thôi là cô bị gẫy xương, vài tháng sau vết thương mới lành. Vật nặng nhất cô có thể tự cầm được là một chén nước nhỏ. Căn bệnh quái ác làm cho Thu Thương chỉ cao bằng đứa trẻ hơn 1 tuổi. Tay và chân của cô nhô lên nhiều cục thịt, là dấu tích của những lần bị gẫy xương. Chỉ có khuôn mặt là của Thương là giống một người bình thường; nhưng mắt cô sẽ không nhìn thấy gì nếu thiếu cặp kính cận 14 đi-ốp.

Để làm được một chiếc đèn giá từ 400.000 - 700.000 đồng, Thương phải mất đến 7 ngày. Ảnh: VNexpress

Gặp chúng tôi, Nguyễn Thị Thu Thương tâm sự:“Em thường ở trên tầng 2. Một lần, em bảo em gái bế xuống tầng 1, nơi mẹ đang ngồi đạp máy may. Lúc ấy mẹ em cặm cụi làm không để ý đến xung quanh, em biết rằng mẹ đã vì em mà làm việc quên mệt nhọc. Em đã òa khóc nức nở khóc như lần đầu tiên trong đời biết khóc vậy... Hình ảnh đó đã thôi thúc em cần phải làm một điều gì có ích, cần biết tự nuôi sống bản thân và đỡ đần mẹ”.

Từ những suy nghĩ như thế, Thu Thương quyết định tìm hiểu những thông tin trên báo, đài về những trung tâm dạy nghề dành cho người khuyết tật. Sau đó, cô xin bố mẹ cho đến học tại Trung tâm “Vì ngày mai” ở quận Tây Hồ, Hà Nội với hy vọng kiếm được một nghề nuôi sống bản thân, bớt đi gánh nặng cho gia đình. Từ trước đến nay chưa  một yêu cầu nào của Thu Thương bị cha mẹ từ chối. Và lần này cả bố và mẹ cô thay nhau bế con đi học nghề vì chỉ lo Thương bị gẫy xương một lần nữa.

Với quyết tâm và nghị lực vượt khó, chỉ sau gần 4 tháng học ở Trung tâm “Vì ngày mai”, Thu Thương đã làm được nhiều sản phẩm lưu niệm mà những người bình thường còn cảm thấy khó khăn. Đó là những lọ hoa, đèn bàn được làm bằng cúc áo và đan được những chiếc khăn, tấm áo, túi đựng điện thoại bằng len. Cô còn sáng tạo biến chiếc đèn bàn được làm bằng những chiếc cúc áo trở thành đồ vật có thể sử dụng được, chứ không phải để trưng bày cho đẹp.

Không dừng lại ở đó, năm 2008, Nguyễn Thị Thu Thương lập ra website thuongthuong.net để quảng bá và bán sản phẩm do những người khuyết tật làm ra. Doanh thu mỗi tháng cũng được vài triệu đồng.

Sinh viên Trần Tiến Quân, Đại học Dược Hà Nội- một khách hàng của Thu Thương cho biết: “Em lên trang Enbac.com tìm những sản phẩm lưu niệm và quà tặng thì thấy hoa đất của Nhật Bản. Đầu tiên em không biết đó là sản phẩm do chị Thương Thương làm ra, sau đó em lên mạng tìm hiểu em mới biết và tìm đến  mua. Sản phẩm làm bằng tay nên rất đẹp. Em thấy rất khâm phục chị. Người bình thường, khoẻ mạnh còn khó có thể làm được những sản phẩm như vậy. Vậy mà chị Thương đã làm được và còn giúp đỡ cho những người khuyết tật khác”.

Còn đây là những nhận xét của sinh viên Phạm Thị Hiền, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ-một người bạn của Thu Thương: “Chị ấy có nghị lực rất lớn, người bình thường còn khó có được. Chị ấy không thể đi lại được nhưng vẫn làm được nhiều công việc. Chị Thương là người có nhiều tình thương và ước mơ”.

Căn nhà số 13, ngõ 11 phố Lương Định Của, quận Đống Đa, Hà Nội, nơi Thương đang sống cùng gia đình, luôn chất đầy những mặt hàng do cô làm ra và của những người bạn khuyết tật ký gửi. Trong số này có nhiều sản phẩm kiểu dáng độc đáo do cô miệt mài sáng tạo ra, thuyết phục được nhiều khách hàng khó tính. Tương lai của việc kinh doanh đang mở ra trước mắt Thu Thương với bao dự định: “Em muốn mở một cửa hàng ở mặt đường để bất cứ ai cũng có thể mua được sản phẩm của em và việc bán hàng được tốt hơn, từ đó sẽ có điều kiện mở một xưởng dạy thủ công cho người khuyết tật”.

Nhiều người còn cảm phục Thu Thương ở một điểm khác. Đó là dù khuyết tật và còn nhiều khó khăn nhưng cô vẫn tổ chức và tham gia nhiều hoạt động từ thiện. Giờ đây, hình ảnh một người phụ nữ bị bệnh xương thủy tinh chỉ cao gần 1 mét, nằm lọt thỏm trong chiếc xe đẩy là tấm gương sáng cho nhiều người và truyền thêm sức mạnh cho những ai cùng cảnh ngộ, nhất là về niềm tin, khát vọng sống và lòng nhân ái… Mỗi dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, cô lại hát tặng mẹ bài hát mừng tuổi mẹ của nhạc sỹ Trần Long Ẩn để cảm ơn người đã sinh thành và dày công nuôi dưỡng. Nhờ những nỗ lực phi thường và đóng góp cho những người khuyết tật, Nguyễn Thị Thu Thương được nhiều Bộ, ngành, đơn vị và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khen thưởng, công nhận “Người tốt, việc tốt” và  tôn vinh “Anh hùng thầm lặng”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên