Người dân đổ về Thủ đô bị bắt chẹt giá vé, nhồi nhét
(VOV) -Nhồi nhét, bắt chẹt giá vé là hiện tượng phổ biến diễn ra tại các chuyến xe từ các tỉnh ra Hà Nội trong những ngày này.
Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, từ ngày 16 và sáng 17/2 (tức mùng 8 Tết), người dân, cán bộ công chức, học sinh, sinh viên các tỉnh, thành phố lại theo các chuyến xe đổ về Hà Nội chuẩn bị cho một năm học tập, làm việc mới.
Ngay từ sáng sớm 17/2, tình hình giao thông tại các cửa ngõ ra vào Thủ đô đã bắt đầu sôi động, người, xe đi lại đông hơn. Nhìn chung, trên hầu hết các tuyến đường, phương tiện di chuyển thuận lợi, giao thông không bị ùn tắc. Tuy nhiên, cảnh hành khách bị nhồi nhét, tăng giá vé vẫn diễn ra.
Ngày 17/2 là ngày nghỉ cuối cùng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2013, do đó dòng người, xe từ các tỉnh lại ùn ùn kéo về các bến xe của thành phố. Tại các bến xe Mỹ Đình, Lương Yên, bến xe phía Nam, Bến xe nước Ngầm… nườm nượp ô tô chở khách từ các tỉnh vào bến để trả khách.
Lúc cao điểm cuối chiều 16/2 và khoảng 9h sáng 17/2, xuất hiện ùn ứ cục bộ trước cổng một số bến xe. Xe khách vào bến khá khó khăn, nhiều xe buýt phải đỗ cách trạm khá xa để trả khách.
Dòng người trở về Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết trở nên đông đúc |
Vào lúc 9h sáng 17/2, tại bến xe phía Nam Hà Nội (Bến Giáp Bát), xe tuyến cố định các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An… xe nào cũng chật kín khách, len qua dòng xe cộ đông đúc trên đường Giải Phóng để vào bến.
Mặc dù trước đó, Ban quản lý bến xe và các nhà xe đều đã ký cam kết trước và sau những ngày nghỉ lễ, Tết sẽ không tự ý nâng giá vé xe. Tuy nhiên, đa số hành khách cho biết, họ vẫn phải trả cao hơn giá vé ngày thường từ 80 đến 120% giá vé. Thậm chí, một số tuyến, nhà xe còn thu cao hơn ngày thường đến 2,5 lần giá vé quy định.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, đi xe tuyến từ Thạch Thành, Thanh Hóa ra Hà Nội cho biết: “Ngày thường, tôi đi xe mất có 80.000 đồng, nay đắt gấp đôi. Lúc lên xe họ chẳng nói gì cả, đi rồi họ mới thu tiền, bảo mua vé với giá 150.000 đồng. Tết ra, muốn bắt xe để đi làm nên tôi đành chịu. Hôm trước, bạn tôi đi về còn mất 250.000 đồng…”.
Vừa bước xuống xe, lỉnh kỉnh với mấy túi đồ ngồi chờ xe buýt trước cổng bến xe Mỹ Đình, cô Vũ Thị Thu Nga ở thành phố Nam Định cho biết: Tranh thủ vẫn còn được nghỉ Tết và đưa cô con gái lên Hà Nội đi học luôn, hai mẹ con cô bắt xe khách Nam Định mãi không được, đành bắt xe từ Thái Bình để lên Hà Nội. Xe đông khách, giá có tăng hơn ngày thường khoảng 20.000 đồng, có lẽ do vẫn còn dư âm của Tết nên cũng đành phải chấp nhận.
“Từ Nam Định lên, tôi đi xe Thái Bình, mất 70.000 đồng/vé, đắt hơn so với ngày thường. Tôi hỏi thì tài xế bảo ngày lẻ nên chỉ lấy có vậy, còn hôm qua là ngày chẵn, khách đông còn thu 100.000 đồng/vé”.
Nhồi nhét, bắt chẹt giá vé là hiện tượng phổ biến diễn ra tại các chuyến xe từ các tỉnh ra Hà Nội trong những ngày này. Mệt mỏi sau chuyến đi dài từ Thanh Hóa ra Hà Nội, anh Trần Phương, sinh viên năm thứ 2, trường Đại học FPT cho biết, còn 2 ngày nữa mới phải đi học, nhưng tranh thủ ra sớm để chuyển chỗ ở mới. Đi ra Hà Nội hôm nay xe quá đông, đã không có chỗ ngồi mà còn bị thu giá vé quá cao.
Anh Trần Phương nói: “Bình thường, tôi đi hết có 70.000 đồng/vé, nay đi xe Hùng Cường lấy 150.000 đồng, đắt hơn gấp đôi. Không có lý do gì cả họ cứ nói là tăng giá thôi. Trước Tết, họ cũng đã lấy thế rồi, nay mùng 7, tôi tưởng là đã bình thường rồi, thế mà họ vẫn lấy cao. Trên xe họ chở rất đông khách, không thể đếm được, mỗi người đều giá như nhau. Thế trên đường đi không có ai kiểm tra cả, họ đi một mạch ra đến Hà Nội luôn…”.
Theo quan sát của chúng tôi trong buổi sáng 17/2, giao thông ở các tuyến cửa ngõ vào Thủ đô và trước khu vực bến xe cơ bản đã được các lực lượng chức năng đảm bảo thông thoáng. Năm nay, công tác cảnh báo, phân làn từ xa và đặc biệt là không cho xe dừng đỗ trước cổng bến, xe dừng đỗ đón khách dọc đường đã được các lực lượng chức năng triển khai quyết liệt. Tại các khu vực như Giải Phóng - Pháp Vân; tuyến Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh… đã không xảy ra hiện tượng quá tải, dồn ứ cục bộ.
Trung tá Trần Quốc Tuấn, Phó trưởng trạm Cảnh sát Bến xe phía Nam, Công an thành phố Hà Nội cho biết: “Từ nay đến ngày mai, ngày kia là kỳ cuối của đợt nghỉ Tết, lượng khách về bến sẽ tăng rất là cao. Để đảm bảo tốt công tác trật tự trong và trước cổng bến xe, công an trạm đã có kế hoạch phối hợp với bến xe, công an các phường, quận và thanh tra giao thông triển khai đảm bảo an toàn giao thông và an ninh trật tự. Đặc biệt là giải tỏa ùn tác giao thông trước khu vực bến xe. Công an trạm sẽ bố trí lực lượng hình sự phục kích ở khu vực trả khách, xe về đông để đảm bảo an toàn, tránh cho hành khách bị móc túi, trộm đồ….”.
Năm nay trong bến xe, công tác đảm bảo trật tự đã được triển khai một cách quyết liệt. Tuy nhiên, điều đáng nói là cứ sau mỗi dịp lễ Tết thì hành khách đi xe luôn phải chịu ấm ức vì nhà xe thu tiền vé quá cao; xe chở khách quá số ngồi gấp 2, gấp 3 lần quy định vẫn ngang nhiên đi qua nhiều tỉnh, thành phố mà không bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.
Để đảm bảo thực hiện nghiêm công điện của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về tiếp tục thực hiện các biện pháp ngăn chặn, hạn chế tai nạn giao thông sau Tết, rất mong lực lượng chức năng mà nòng cốt là cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như nhồi nhét, chở quá số người quy định là một trong các nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông./.