Người đàn ông liệt tứ chi vì bị rắn cắn
VOV.VN - Nạn nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, liệt tứ chi, loạn nhịp thở.
Chiều 28/10, bác sĩ Vũ Ngọc Lân - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết, bệnh viện này đang điều trị cho 1 bệnh nhân bị rắn cạp nia độc cắn. Bệnh nhân là ông Hồ Văn Hợi (55 tuổi, ở xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An).
Vừa bắt được con rắn cạp nia lớn, ông Hồ Văn Hợi cho vào túi bằng vải thì bị rắn cắn vào ngón tay giữa khiến ông phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, liệt tứ chi, loạn nhịp thở.
Hiện tại, sau nhiều ngày cấp cứu, điều trị, tình trạng sức khỏe của ông Hợi đã có tiến triển tốt. Tuy nhiên, do nọc độc nặng nên hiện ông Hợi vẫn chưa thể cử động, phải thở bằng máy và các thiết bị hỗ trợ khác.
Ông Hợi được cấp cứu tại bệnh viện
Theo người nhà nạn nhân, vào tối 19/10, ông Lợi đi bắt cua ở ngoài đồng thì nhìn thấy con rắn đen trắng (còn gọi là rắn cạp nia). Do con rắn này bán có giá trị nên ông Hợi đã bắt rồi bỏ vào túi bằng vải thì không may bị con rắn cắn vào ngón tay giữa.
Biết rắn độc cắn, ông Hợi hốt hoảng chạy về nhà thì bắt đầu có biểu hiện nôn mửa, chóng mặt. Biết được sự việc trên, người nhà đã rửa vết thương, nặn máu rồi tức tốc đưa ông Hợi đi trạm xá xã. Sau khi được sơ cứu, nạn nhân Hợi tiếp tục được chuyển vào bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An để cấp cứu.
Rạng sáng 20/10, ông Hợi được nhập viện trong tình trạng rối loạn cơ hô hấp, nhịp thở hỗn loạn; liệt tứ chi, liệt hô hấp và các cơ khớp, không tự thở được, đồng tử giản mạnh. Chỉ trong 1 thời gian ngắn, nạn nhân bắt đầu có biểu hiện xấu đi, rất nguy kịch.
Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã cho bệnh nhân thở máy rồi đưa thẳng vào khoa hồi sức tích cực chống độc điều trị. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành truyền dịch để đào thải chất độc đồng thời sử dụng các thiết bị máy hỗ trợ để điều trị cho bệnh nhân.
Bác sĩ Trần Phương - Khoa hồi sức tích cực chống độc cho biết, sau 10 ngày điều trị, hiện diễn biến sức khỏe của bệnh nhân đang hồi phục tích cực nhưng vẫn phải thở máy. Bệnh viện sẽ tiếp tục thông khí, dùng máy tạo thở và thuốc để đào thải chất độc của rắn ra ngoài./.