Người khiếm thị đã được “đọc”
Đây là kết quả được công bố tại Hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động, dự án hỗ trợ dịch vụ thư viện cho người khiếm thị tại Việt Nam
>>Quỹ Nippon với người khuyết tật Việt Nam
Qua 10 năm đi vào hoạt động, dự án hỗ trợ dịch vụ Thư viện cho người khiếm thị tại Việt Nam do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với Quỹ Force (Hà Lan) thực hiện đã giúp gần 80.000 lượt người khiếm thị tiếp cận các dịch vụ thông tin thông qua các thư viện công cộng.
Các báo cáo tại Hội nghị cho thấy, sau 10 năm triển khai, dự án hoạt động thư viện cho người khiếm thị đã được mở rộng trên phạm vi cả nước.
Đã có trên 100 cơ quan và tổ chức đã triển khai dịch vụ thư viện - thông tin cho người khiếm thị với nhiều loại tài liệu thay thế như sách chữ Braille, sách nói kỹ thuật số, sách minh họa nổi cùng nhiều công nghệ mới như máy tính và các phần mền chuyên dụng, máy phóng đại, máy đọc sách nói…
Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu đọc của trẻ em khiếm thị, 2 năm qua, dự án đã hỗ trợ thiết lập các thư viện mini tại trường học, trung tâm, mái ấm nuôi dạy trẻ khiếm thị.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ trưởng Vụ thư viện, Bộ VH, TT&DL cho biết, việc quan tâm đến người khiếm thị về mặt đời sống văn hóa tinh thần là một chính sách của Chính phủ. Với sự tài trợ của quỹ Force, các dịch vụ thư viện cho người khiếm thị ở Việt Nam đang khởi sắc thêm.
Dự án hỗ trợ dịch vụ thư viện cho người khiếm thị tại Việt Nam ra đời ngay sau khi Pháp lệnh thư viện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua năm 2000. Qua dự án này, ngày càng có nhiều người khiếm thị sử dụng thư viện cho các mục đích khác nhau như đọc để học, để kiếm sống, để hội nhập xã hội./.