Người Việt tại Áo vui Tết Trung thu
Giữa châu Âu, đèn ông sao vẫn tỏ, tiếng trống sư tử vẫn rộn ràng; bánh dẻo, bánh nướng vẫn thơm mùi hương nếp…
Tại Vienna (Cộng hòa Áo), Hội Từ thiện Việt Nam tại đây vừa tổ chức Tết Trung thu với chủ đề “Lễ hội trăng rằm” cho hàng nghìn cháu thiếu niên, nhi đồng và các bậc phụ huynh trên khắp nước Áo đến chung vui. Đây là lần đầu tiên các cháu thiếu niên, nhi đồng người Việt tại Áo được hội tụ về Vienna để vui Tết trung thu.
Khu “Chợ quê” là nơi tấp nập hơn cả, thu hút hàng trăm người. Nhìn các bà, các chị mặc áo tứ thân, thắt yếm đào, trên tay phe phẩy chiếc quạt giấy trước gian hàng bánh trung thu, các cháu tay cầm đền lồng, chạy nhảy lăng xăng… Bất giác tôi ngỡ như đang ở quê nhà.
Chợ quê thơm mùi hương nếp |
Tâm điểm của Đêm Trung thu là màn biểu diễn múa Lân. Tiếng trống vang vang và câu hát “Thùng thình thùng thình trống rộn ràng ngoài đình…” như đánh thức ký ức của mọi người về một thời thơ ấu, nhớ về gia đình, quê hương, về những đêm Trung thu ngất ngây dưới ánh trăng rằm…
Xen lẫn tiếng vỗ tay có cả những gương mặt trầm tư, sâu lắng. Đứng bên cạnh tôi là Hiệp (ở Steimark, cách Vienna 150km). Thấy Hiệp đứng lặng im, tôi hỏi khẽ, sao không vỗ tay? Không trả lời câu hỏi của tôi, Hiệp thủ thỉ như nói với mình, quê em ở Mỹ Lộc (Hà Nam), bố em mất ở chiến trường khi em còn nhỏ, mẹ em cũng mất sớm. Lúc sang đây, Hiệp mới 21 tuổi, hơn 20 năm nay chưa về thăm, không biết Trung thu ở mình giờ có còn vui như trước!
Trái ngược với những tâm trạng khác nhau của người lớn là sự háo hức, hồn nhiên của lũ trẻ. Nhiều cháu nói tiếng Việt chưa sõi, chưa một lần được về Việt Nam, chúng chỉ được biết Tết Trung thu qua những câu chuyện của người lớn. Nhưng khi được các cô chú bảo đi tập hát để tham gia biểu diễn văn nghệ, bé nào cũng “OK”.
Màn biểu diễn múa lân làm tăng thêm không khí rộn ràng của Đêm hội Trung thu |
Cháu Bình Nhi (11 tuổi ở Vienna), thành viên của nhóm văn nghệ tham gia biểu diễn Đêm Trung thu kể: “Mấy tuần nay, chúng cháu đã luyện tập để đến đây hát cùng các cô, các chú. Cháu đã được bố mẹ cho về Việt Nam ăn Tết Trung một lần, được chứng kiến các anh chị dựng lều trại, các bạn gõ trống, múa sư tử, đeo mặt nạ nhảy nhót… Thật tiếc là ở bên này không có những trò ấy. Nhưng cháu thấy Tết Trung thu năm nay vẫn vui, hy vọng năm nào cũng được như thế. Nếu được ở trong “lều” và có những đồ chơi để chúng cháu tự chơi, giống như ở Việt Nam thì thích hơn…”.
Tết Trung thu tại Áo không chỉ là ngày vui của các cháu thiếu niên, nhi đồng, mà còn là ngày hội của cộng đồng người Việt tại đây. Sống xa đất nước, mong muốn được gặp cộng đồng của mình đã trở thành khát vọng của người Việt ở nước ngoài. Tất cả đều mong ước đến đây để được gặp gỡ, chia sẻ với nhau, được nói tiếng Việt, được sống lại không khí tuổi thơ… Nhiều người đã vượt hàng trăm cây số để về dự.
Phần biểu diễn văn nghệ của các cháu thiếu nhi |
Từ Linz, chị Nguyễn Thị Ngọc đã đi gần 300 cây số để đưa con đến Vienna, cho biết: “Cả nhà khấp khởi hàng tháng trời chờ đón hôm nay. Lũ trẻ đếm từng ngày, mặc dù chúng chưa hiểu lắm về Tết Trung thu. Còn tôi mong gặp gỡ bạn bè. Đến đây nghe tiếng trống múa Lân, nghe câu hát “tùng rinh, tùng rinh rinh…”, thấy lòng mình xốn xang, rộn rã, ký ức thời thơ ấu tràn về. Tôi nhớ những buổi tối ngày nào ở Việt Nam, theo các anh chị phụ trách Đội tập hát dưới ánh trăng, cùng nhau cắm trại, phá cỗ. Dù mỗi đứa chỉ có một múi bưởi, nửa quả chuối, vậy mà vẫn vui bất tận. Những kỷ niệm ấy đã ăn sâu vào máu thịt của mình. Có lẽ những điều đơn sơ ấy làm cho chúng tôi luôn nhớ mình là dân Việt. Đưa con đến đây, tôi muốn các cháu hiểu được văn hóa Việt và truyền thống Việt, để chúng biết cội nguồn của mình…”.
Rất đông người Việt tại Áo là những người trước đây sang học nghề tại Tiệp Khắc. Khi xảy ra cách mạng nhung mỗi người mỗi ngả, ít có dịp được gặp nhau, họ có rất nhiều kỷ niệm về quãng đời chuân chuyên ấy. Trung Thu hôm nay là điểm hẹn của ngày tái ngộ để ôn lại kỷ niệm xưa. Nhiều người nhìn thấy nhau đứng lặng… Trong những kỷ niệm ấy có cả những thiên tình sử.
Cường trước đây yêu một cô gái cùng lớp học nghề. Do biến động của nước bạn, Cường sang Áo, vào trại tị nạn, rồi định cư ở Áo. Từ đó hai người không gặp nhau, bặt tin tức. Tình yêu cũng chôn chặt trong tim như một kỷ niệm đẹp. Bất ngờ hôm nay gặp nhau tại Lễ hội Trung thu sau 18 năm xa cách. Tôi đã chứng kiến những giọt nước mắt trong giây phút họ nhận ra nhau…
Có được Lễ hội Trung thu này, phải kể đến sự cố gắng rất lớn của các anh, các chị trong Ban lãnh đạo Hội Từ thiện Việt Nam, sự ủng hộ hết lòng của các bậc phụ huynh và các cháu thiếu niên người Việt tại Áo. Suốt mấy tháng trời, mỗi người một chân, một tay, tự nguyện bỏ tiền, bỏ sức để lo cho đêm Trung thu.
Chị Phạm Thu Liên, thành viên Ban tổ chức tâm sự: “Tại Áo chưa có tổ chức của cộng đồng người Việt, hơn nữa đây lại là lần đầu tiên tổ chức một hoạt động tương đối lớn nên chúng tôi gặp không ít khó khăn. Đơn giản như việc lập danh sách có bao nhiêu người Việt, địa chỉ ở đâu, rồi hội trường, loa đài, ánh sáng… Thực tình ban đầu tôi rất lo. Nhưng chẳng lẽ bó tay để các cháu thiệt thòi? Thông qua bạn bè, người quen, nhờ người nọ mách cho người kia; Mỗi một nhà hàng, tiệm ăn của người Việt chúng tôi đều mang đến một tập giấy mời… Rồi nhờ Hội Phụ nữ lo việc tập văn nghệ cho các cháu, các cụ trong Hội Phật tử chế biến đồ ăn … Hôm nay nhìn gương mặt tươi rói của các bậc phụ huynh, nụ cười rạng rỡ của các cháu, chúng tôi thấy mãn nguyện lắm. Chúng tôi tổ chức Lễ hội Trăng rằm không chỉ để các cháu thiếu niên có được một ngày hội hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ, để các cháu hiểu được nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Mà còn muốn tạo nên một điểm gặp gỡ cho cộng đồng người Việt. Thông qua lễ hội, chúng tôi còn quyên góp để giúp đỡ các cháu mồ côi, không nơi nương tựa, những người gặp khó khăn ở quê hương Việt Nam ruột thịt”.
Đêm trung thu trong không gian đậm nét văn hóa dân tộc, tôi tin con cháu của các thế hệ người Việt tại đây đều cảm nhận được trong tim chúng quê hương Việt - nơi ông bà, bố mẹ chúng đã sinh ra và lớn lên./.