Nguyên nhân cái chết của cô dâu Việt

Dù tươi cười vui vẻ trong ngày cưới nhưng chồng chị Loan có nhiều biểu hiện không bình thường. Thậm chí, người nhà chị Loan còn trông thấy Eom "tranh thủ" uống cả vốc thuốc khi đang cùng vợ tiếp khách...

Trước đó 1 năm là cái chết của cô dâu Thạch Thị Hồng Ngọc, quê Cần Thơ bị người chồng có tiền sử về bệnh tâm thần sát hại dã man. Những câu chuyện đau lòng trên chưa vơi thì mới đây cô dâu Phạm Thị Loan ở Cần Thơ lại bị người chồng xứ Hàn sát hại, vụ việc này một lần nữa là tiếng chuông cảnh báo cho những cuộc hôn nhân không qua tìm hiểu…

Xuất ngoại lấy chồng không phải vì… tiền

Loan và chồng trong ngày cưới (Ảnh gia đình cùng cấp).

Ở khu vực Thới Hòa 2, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ có lẽ không ai là không biết cô dâu xấu số Phạm Thị Loan. Khác với nhiều cô dâu Việt muốn lấy chồng Hàn Quốc để "cải thiện" kinh tế, chị Loan không vì mục đích ấy. Đã 37 tuổi mà vẫn thui thủi một mình nên chị muốn có một gia đình nho nhỏ hạnh phúc cho riêng mình để sau này về già còn có nơi "dựa dẫm". Vậy là, trong thời gian làm ở một tiệm hớt tóc, chị Loan tình cờ quen với một người tên Hương. Sau đó một thời gian thì Hương đi lấy chồng Hàn Quốc.

Trong một lần về thăm quê, Hương đã tìm chị Loan và gợi ý sẽ làm mai chị cho ông Eom Yang Ock, SN 1963, là một hàng xóm của Hương. Qua những câu chuyện kể của Hương về gia đình người chồng bên Hàn Quốc của cô, chị Loan thấy bạn mình đi lấy chồng nước ngoài không hề bị đánh đập hay chịu khổ cực như trên báo, đài vẫn đưa tin. Thế là chỉ liên lạc qua những cuộc điện thoại ngắn ngủi nhưng chị Loan đã gật đầu đồng ý.

Mang tiếng lấy chồng Hàn, nhưng gia đình chị cũng chỉ nhận được từ bà mai 10 triệu đồng để lo đám cưới. Thực ra theo thông tin từ gia đình nạn nhân, chú rể Hàn Quốc đã chi 10.000 USD cho một người môi giới tên Hà để lo đám cưới, nhưng không hiểu số tiền "lớn" đó đã bay đi đâu mất nên gia đình cô dâu chỉ "thực nhận" khoảng 10 triệu đồng. Mặc dù chỉ nhận được số tiền ít ỏi, gia đình nhà gái còn phải lo toàn bộ chi phí ăn ở cho đoàn nhà trai từ Hàn Quốc sang

Không có thời gian yêu nhau, cũng không thông hiểu ngôn ngữ của nhau nên dù tươi cười vui vẻ trong ngày cưới nhưng chị Loan vẫn thấy người chồng của mình có vẻ hơi gượng gạo. Ban đầu, mọi người nghĩ rằng có thể do chưa quen với phong tục, tập quán ở Việt Nam nên chồng Loan thường có nhiều biểu hiện không bình thường. Thậm chí, người nhà chị Loan còn trông thấy Eom "tranh thủ" uống cả vốc thuốc khi đang cùng vợ tiếp khách. Nhiều người trong gia đình nghĩ rằng có lẽ do phải di chuyển sau một chuyến đi dài nên sức khỏe của Eom bị ảnh hưởng nên anh ta phải uống thuốc, nhưng có ai ngờ rằng những viên thuốc đó đã giúp cho người đàn ông mắc bệnh trầm cảm Eom "qua mắt" được gia đình chị Loan…

Theo lời kể thì đích thân ông Ri (bố của chị Loan) đã đưa con gái lên phường Thới Thuận để nghe cán bộ phụ nữ xã tư vấn về những khó khăn như không đồng ngôn ngữ, khác biệt về phong tục tập quán,... khi lấy chồng ngoại quốc, nhưng lúc đó cha con ông cũng không màng vì "thấy nó vui, tự nguyện nên tui cũng vui theo…", ông Ri nói. Lúc đồng ý làm vợ người ta, chị Loan mới biết người chồng tương lai làm nghề gì đó liên quan đến ngành xây dựng, hiện đang sinh sống ở hạt Jeogseon tỉnh Gangwon, Hàn Quốc, đã có một đời vợ và hai con…

Cô dâu bị sát hại từng được gia đình chồng đối xử rất tốt

Sau ngày cưới, đúng vào ngày 28 Tết âm lịch vừa qua, chị Loan đã chính thức nói lời chia tay gia đình để sang Hàn Quốc đoàn tụ cùng chồng. Trong thời gian này, chị vẫn thường liên lạc với gia đình và cho biết cuộc sống ở xứ người rất tốt đẹp, gia đình chồng rất mực thương yêu mình. Thậm chí vào ngày 24/2 (ngày giỗ mẹ chị), chị Loan có gọi về nhà để hỏi thăm tình hình và nói gửi quà về biếu gia đình vì có người bạn sắp về Việt Nam.

Trong những lần gọi điện về nhà, chị Loan chia sẻ cuộc sống bên này tuy có nhiều mới lạ nhưng gia đình chồng đối xử khá tốt nên không nhiều bỡ ngỡ. Khi mới sang sinh sống cùng chồng, chị Loan và chồng đều ở chung nhà với bố mẹ chồng, nhưng thời gian gần đây chị đã gọi điện về thông báo với gia đình rằng sắp chuyển ra ở riêng vì chồng đã mua được nhà mới. Không những mua được nhà mà chồng chị còn dự định chu cấp cho chị một khoản tiền mở cửa hàng chăm sóc tóc để chị vừa có điều kiện phát huy khả năng của mình, vừa không buồn chán vì phải ở nhà phục vụ gia đình.

Quả thật một cuộc sống trong mơ đã mở ra đối với chị Loan, đón nhận liên tiếp những thông tin vui từ người con gái xa quê, gia đình ông Ri không khỏi mừng rỡ vì đã kiếm được rể hiền. Thế nhưng mọi chuyện đang diễn ra hết sức tốt đẹp thì đến ngày 6-3, gia đình ông Ri bỗng nhận được hung tin con gái của mình đã bị chồng sát hại.

Cơ quan tư pháp và người thân nói gì?

Liên quan đến cái chết của cô dâu Việt xấu số, bà Nguyễn Thị Phương Thu, Trưởng Phòng Hành chính, Sở Tư pháp Cần Thơ cho biết: Trường hợp của chị Phạm Thị Loan kết hôn với chồng là Eom Yang Ock là trường hợp ghi chú kết hôn, công nhận việc hôn nhân.

Ngày 20/8/2011, Sở nhận hồ sơ ghi chú kết hôn của chị Loan do Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TPHCM cấp với đầy đủ 3 loại giấy tờ là Giấy chứng nhận hôn nhân, Giấy chứng nhận cơ bản, Giấy chứng nhận không cản trở nên cán bộ Sở đã tiến hành các bước phỏng vấn về tính tự nguyện kết hôn đối với chị Loan và Eom Yang Ock. Ông Dương Chánh Trị, cán bộ hộ tịch phường Thới Thuận cũng cho biết: "Khoảng tháng 8/2011, Loan có đến phường làm Giấy chứng nhận độc thân. Tôi có khuyên Loan đừng nên lấy chồng Hàn Quốc vì đã có một số trường hợp đáng tiếc về cô dâu Việt ở xứ người nhưng cô ấy vẫn nhất quyết đi".

Trong hai lần phỏng vấn, chị Loan đều tỏ ra khá hiểu chồng và hoàn cảnh gia đình chồng. Chị khẳng định: "Tôi có cảm tình với anh ấy và muốn xây dựng một gia đình hạnh phúc". Chị Loan khi ấy còn tự tin cho biết sang Hàn Quốc chị sẽ cố gắng học tiếng Hàn, tìm hiểu thêm về phép tắc để hòa nhập tốt với gia đình chồng. Việc chứng minh tài chính, chứng minh việc giám định tâm thần không nằm trong quy định bắt buộc của thủ tục ghi chú kết hôn. Không ai ngờ tới một kết cục thế này. Một trường hợp cô dâu Việt có thể coi là lấy chồng Hàn trên tinh thần tự nguyện, trên cơ sở tình yêu, không vì mục đích kinh tế, nhưng cuối cùng vẫn gặp kết cục bi thảm. Những người con gái Việt bồng bột trao gửi cả cuộc đời cho một người đàn ông không cùng quốc tịch, chỉ qua mai mối, chưa hiểu rõ về nhau, hạnh phúc tìm được quả thật quá mong manh.

Khi nhận được hung tin từ người hàng xóm bên Hàn Quốc của chị Loan gọi về cho gia đình báo chị Loan bị chồng giết chết. Ông Ri đau xót nói: "Hiện gia đình cũng chưa rõ nguyên nhân cái chết của Loan, chỉ biết con tôi bị chồng giết và chồng nó cũng đã tự tử vì bệnh trầm cảm. Nghe tin này, tôi muốn chết theo con".

Chị Phạm Thị Nhung, em của chị Loan, kể trong nước mắt: "Ngày cưới chị Loan, ai cũng nghĩ chị Loan có chồng tốt vì nghe đâu anh ấy làm nghề liên quan đến xây dựng. Rồi khi sang Hàn Quốc, chị gọi về nói chồng sắp mua nhà riêng, ai cũng mừng cho chị. Tướng mạo cao ráo, đàng hoàng, nào ngờ chính người này lại giết chết chị tôi".

Thông tin từ Hàn Quốc thông báo về cho gia đình chị Loan là gần đây, Eom Yang Ock bị bệnh trầm cảm. Theo chị Nhung, có lần Loan điện thoại về cho biết chồng đang bị bệnh phải điều trị nhưng không nói là bệnh gì. Còn ông Ri chỉ mong được đem hài cốt con về quê và yêu cầu gia đình chồng trả lại số vàng mà Loan mang sang Hàn Quốc làm ăn (gần 1 lượng vàng). "Con tôi có nghề hớt tóc nên nó mang vàng theo để qua đó mở tiệm, có tiền gửi về giúp đỡ gia đình. Nhưng không ngờ nó ra đi rồi không về nữa", ông Ri nghẹn ngào trong tiếng nấc…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên