Nhà vườn Tiền Giang ồ ạt đua nhau trồng mít

Với việc diện tích trồng mít tăng với tốc độ như hiện nay, chắc chắn sẽ diễn ra tình trạng cung vượt cầu, kéo theo nhiều hệ luỵ khác

Đã có nhiều bài học đắt giá do bà con nông dân đua nhau trồng cùng một loại cây ăn trái và phải chịu thất bại nặng nề do cung vượt cầu. Tuy nhiên, dường như những thất bại này vẫn chưa đủ để cảnh tỉnh những nông dân này. Hiện nay, nhiều nhà vườn Tiền Giang đang ồ ạt đua nhau trồng mít.

Những ngày này đi về miệt vườn Cai Lậy (Tiền Giang), đâu đâu cũng nghe nhà vườn bàn tán xôn xao chuyện trồng mít làm giàu. Một nhóm người ngồi uống cà phê ven đường rôm rả nói: “Trồng mít bây giờ là nhất rồi. Chỉ cần có một trái mít trên 20 kg là có thể bỏ túi khoản tiền gần nửa triệu đồng. Có người thu hoạch mít với doanh thu hàng tỷ đồng/năm”.

Để tìm hiểu thực hư về hiệu quả cây mít, chúng tôi đã tìm gặp một trong những người đi tiên phong trong phong trào trồng mít ở huyện Cai Lậy. Ông Trần Xuân Tới đang tưới nước cho vườn mít gần 3.000m2 trồng được hơn 3 năm ở xã Thanh Hoà, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) hồ hởi cho biết: “Bà con ở đây thường trồng giống mít Thái siêu sớm, bởi giống mít này chỉ 2 năm đã cho trái với năng suất dao động từ 35-40 tấn/ha. Giá mít lại rất hấp dẫn, có khi tới 25.000 - 27.000đồng/kg. Năm ngoái, tôi đã thu hoạch được 12 tấn mít với giá 21.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí vẫn còn lãi gần 150 triệu đồng. Nếu nhà vườn nào có diện tích trồng mít trên một ha thì doanh thu hàng tỷ đồng/năm là hoàn toàn có thể”.

Chính hiệu quả cao, cộng với việc không đòi hỏi kỹ thuật canh tác quá phức tạp, cây mít Thái siêu sớm đã trở thành giống cây trồng “hot” nhất ở huyện Cai Lậy. Hiện nay, hai bên đường những xã thuần nông của huyện Cai Lậy đã được tỉnh quy hoạch trồng cây ăn trái như Thanh Hòa, Cẩm Sơn, Long Khánh đã thấy những ruộng lúa xen lẫn với nhiều vườn mít san sát nhau.

Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, hiện trên địa bàn toàn huyện có trên 1.000ha trồng mít Thái siêu sớm, nhưng đa số diện tích trồng mít này chỉ mới được chuyển đổi từ các loại cây trồng khác trong năm nay. Với những hiệu quả hiện tại, diện tích trồng mít ở huyện sẽ tiếp tục phát triển và lấn át các loại cây ăn trái khác.

Về vấn đề quản lý việc phát triển cây mít trong thời gian qua cũng như sắp tới, Tiến sĩ Lê Hữu Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy cho biết, tỉnh không có chủ trương phát triển nhanh diện tích trồng mít, tuy nhiên cũng không thể ngăn cấm nhà vườn chuyển sang trồng loại cây ăn trái này. Dù vậy ông Hải cũng đưa ra cảnh báo, cây mít dễ trồng nhưng đầu ra chưa chắc ổn định hơn các loại cây ăn quả khác. Nếu diện tích trồng mít tăng với tốc độ như hiện nay, chắc chắn sẽ diễn ra tình trạng cung vượt cầu, dẫn đến giá rẻ và hàng loạt hệ luỵ khác mà nông dân chính là người chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Để khảo sát tình hình tiêu thụ mít, chạy một vòng qua các vựa trái cây tại chợ thị trấn Cai Lậy trong mấy ngày mít vào vụ thu hoạch chính vừa qua, chúng tôi nhận thấy hầu như vựa trái cây nào cũng tỏ ra “ngán” mít. Hàng ngày, các xe tải nhỏ chở mít tới các vựa trái cây này liên tục, nhưng nhà vựa chỉ thu mua trong vòng vài giờ buổi chiều cho đến khi đủ hàng.

Trước hiện trạng trên, có thể thấy trước viễn cảnh của cây mít ở địa phương này, khi hiện nay chỉ có vài trăm ha mít đang cho trái nhưng thị trường mít đã có vẻ đã bão hòa. Nếu trong 2 năm tới, khi 1.000ha mít đồng loạt cho trái với sản lượng 30.000 - 40.000 tấn thì giá mít có còn hấp dẫn như hiện nay? Đây là vấn đề, mà những nhà vườn có dự định trồng mít trong thời gian tới cần cân nhắc kỹ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên