Nhàn như... nuôi cá sấu!

Ông Nguyễn Thành Long (thôn Thượng, xã Khắc Niệm, TP Bắc Ninh) là tấm gương sáng về tuổi già làm kinh tế giỏi nhờ nuôi cá sấu.

Tìm cách sống tốt trên đất mẹ…

Chúng tôi tìm về thăm “trang trại” của ông đúng lúc ông đi mua thức ăn cho cá sấu về. Thấy có khách, ông cười nói: “Hỏi tôi à, thích cá sấu hay phong lan nào?” Chúng tôi chưa kịp trả lời, ông tiếp luôn: “Đùa thôi, thích gì thì cũng vào uống trà đã”.

Ông Long chuẩn bị cho cá sấu ăn

Trước mắt chúng tôi là người đàn ông gầy gò, và già hơn nhiều so với tuổi “lục tuần” của ông. Có lẽ, gặp ngoài đường, khó ai tin con người này có thể cáng đáng hầu hết công việc hằng ngày của một “trang trại gia đình” rộng gần 2.000 m2, với nhiều loại cây, con vật nuôi, trong đó đặc biệt là chuồng cá sấu 50 con.

Vừa rót trà mời khách, ông vừa bảo: “Nhiều việc lắm, nhưng vui. Còn sức thì còn làm việc chứ”. – Ông nhấp miệng chén trà rồi nhìn chúng tôi, móm mém cười. Tôi hỏi: “Hẳn ông từng là một người lính?”.

Ông thủng thẳng kể: “Lúc đất nước có chiến tranh, là thanh niên yêu nước thì phải lên đường chiến đấu chứ. Tôi nhập ngũ năm 1970, ở quân khu 9. Tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nam đến năm 1975. Rồi giải phóng xong vẫn phục vụ quân ngũ đến tháng 10/1986 thì về quê làm ăn kinh tế thôi…”. Nói đến đây, ông trầm lại một lát rồi, tiếp tục kể về chặng đường gian nan gây dựng cơ đồ.

Rời quân ngũ, ông về quê bắt đầu lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Cuộc sống khó khăn, vợ chồng ông phải xoay sở nhiều cách, đi nhiều nơi, làm nhiều việc nhưng vẫn khó khăn. Rồi ông nghĩ đến việc phải tận dụng chính diện tích đất vườn của gia đình mà làm ăn thôi, không đi đâu cả. “Phải tìm mọi cách để mà sống tốt trên đất mẹ chứ!”- ông Long nhấn mạnh.

Thế là vợ chồng ông bắt đầu đắp bờ, đào ao, nuôi cá, xây dựng mô hình trang trại với nhiều loại vật nuôi như gà, lợn và trồng nhiều cây ăn quả. Dần dần, mô hình ấy đã giúp ông thoát nghèo và có điều kiện lo cho các con ăn học nên người. 

“Ông Long cá sấu”

Hỏi chuyện cơ duyên nào khiến ông quyết định chọn cá sấu để phát triển kinh tế như hiện nay, ông bảo: “Tình cờ, con trai đi làm ngoài Hải Phòng về kể chuyện người ta nuôi cá sấu thu nhập khá nên mình nảy ra ý định thử sức”.  

Năm 2006, ông quyết tìm mua giống cá sấu để nuôi. Nhưng cái khó là xoay sở mãi ông chỉ dồn được 20 triệu đồng vốn. Số tiền quá ít này không đủ để “khởi nghiệp”. Khi ý định nung nấu nuôi cá sấu gần như thất bại vì thiếu vốn thì ông liên hệ được cơ sở cấp giống ở Hải Phòng đồng ý cho chịu tiền giống. Ngay lập tức, ông triển khai làm chuồng trại, học tập kinh nghiệm chăm sóc, bảo vệ cá sấu. Giữa năm 2006, lứa đầu tiên ông bắt về nuôi có 52 con giống, giá 1 triệu đồng/con.

Đàn cá sấu trong chuồng nuôi nhà ông Long

Ông kể: “Đem được con giống về nhà, tôi mừng lắm. Ngày nào cũng mày mò tìm hiểu cách chăm sóc qua tài liệu, sách báo, thậm chí đến tận nơi các mô hình ở tỉnh khác như Nam Định, Hải Phòng, Hà Tây,… để học hỏi. Bây giờ, chọn và phân loại cá sấu đơn giản với tôi rồi. Ví dụ, cá sấu giống phổ biến hiện nay bán theo kích thước. Mỗi con dài 60 - 70 cm có giá từ 800.000 – 1 triệu đồng/con. Rồi cách bảo quản nước trong chuồng cá sấu phải sạch, không để có dịch bệnh chỉ đơn giản là thả vôi bột và thuốc sát trùng đúng tỷ lệ, đúng cách. Nhờ vậy, đàn cá sấu của gia đình tôi luôn khỏe mạnh, an toàn”.

Càng nuôi ông càng vỡ ra rằng, ưu điểm nổi bật của con cá sấu là ít bệnh. Khi đói, cá sấu không kêu ồn như lợn, không phá như một số vật nuôi khác nên việc chăm sóc chúng rất phù hợp với tuổi già. Thức ăn của cá sấu thường là các loại cá nhỏ. Đôi khi ông cho cá sấu ăn thêm thịt lợn, gan lợn hoặc gà thải từ các trang trại. Cá sấu ăn không nhiều, mùa lạnh (khoảng 4 tháng mùa đông) không ăn, nên chi phí thức ăn không lớn.

Khi đưa chúng tôi ra xem chuồng nuôi, ông đứng gần đàn cá sấu đang phơi nắng. Tôi tỏ ra e ngại sự nguy hiểm, ông bảo: “Quen rồi, không sợ gì cả. Trông thế thôi chứ nó không quá dữ như nhiều người tưởng”. Dứt lời, ông cầm cây gậy tre xua đàn cá sấu xuống nước, khoe: Sắp được bán lứa thứ 2. Mấy con to nhất đàn này khoảng hơn 30 kg/con.  

Theo kinh nghiệm của ông Long, cá sấu thường bán ở tầm từ 25- 40 kg/con là dễ và phù hợp nhất với khả năng chăn nuôi của ông. Vì theo tính toán, nuôi thời gian khoảng 2-3 năm, mức giá xuất chuồng từ 200.000 - 250.000 đồng/kg, lứa này ông dự tính lãi khoảng 40 – 50 triệu đồng.

Ông bảo, nhìn số tiền lãi trên đàn có vẻ không nhiều, nhưng đổi lại nuôi cá sấu rất nhàn, giá ít biến động, ít rủi ro bệnh tật. Hiện tại, lứa này trong chuồng ông Long đang nuôi 50 con, ông đã tìm được nguồn mua gom đầu gà về làm thức ăn cho cá sấu. Bình quân, mỗi tuần cả đàn cá sấu này ăn hết khoảng 20 kg thức ăn, giá 100.000 đồng. “Giờ về làng hỏi “ông Long cá sấu” trẻ con tới người lớn ai cũng biết” – ông Long vui vẻ nói.

Lợi ích nữa là giá giống có thể cao, nhưng chi phí hằng ngày lại thấp, đơn giản. Cho nên, dù nhiều tuổi, ngoài nuôi cá sấu, ông vẫn có thể nuôi nhiều gà, chăm vườn lan gần 500 giò và nhiều cây ăn quả khác.

Hôm chúng tôi đến thăm, gia đình ông đang xây thêm một căn nhà mới. Nhìn cơ ngơi khang trang của ông Long, ai cũng thấy, trang trại nuôi cá sấu của ông đã mang lại lợi ích kinh tế khá cao. Hơn thế, nó còn giúp ông có tuổi già sống vui, khoẻ, có ích.

Hiện tại, cựu chiến binh Nguyễn Thành Long là gương điển hình trong phong trào nuôi cây, con đặc sản phát triển kinh tế ở TP Bắc Ninh. Hơn thế, nhờ thành quả lao động của ông và gia đình mà cả 3 người con ông đều học tốt nghiệp đại học, cao đẳng và có việc làm ổn định.

Nói về mong ước, ông Long bảo: Chỉ mong có sức khoẻ để tiếp tục làm việc. Và, ông mong được vay vốn để mở rộng quy mô nuôi cá sấu thịt, rồi tiến đến nuôi cá sấu sinh sản./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên