Nhiều mặt hàng thực phẩm tăng giá

Những ngày gần đây, nhiều mặt hàng thực phẩm tại các chợ ở Hà Nội đồng loạt tăng giá. Mức tăng phổ biến từ 10- 20% tùy từng mặt hàng  

Khảo sát tại một số chợ nội thành Hà Nội lớn như: Chợ Hôm, Nghĩa Tân, Mai Động và Mỹ Đình ngày hôm nay, giá các loại thịt, cá, rau, hoa quả, hải sản đã đồng loạt tăng giá mức khá cao

Anh Nguyễn Như Thuật, chủ cửa hàng bán thịt lợn tại kiốt số 34, chợ Nghĩa Tân, Cầu Giấy cho biết, giá các loại thịt lợn 3 ngày nay tăng đột biến và tăng mỗi ngày một giá. 1 kg thị dọi trước chỉ có giá 55.000 đồng giờ lên tới 65.000 đồng/kg, thịt thăn tăng từ 70.000 đồng/kg lên 80.000 đồng/kg

Giá thịt bò cũng tăng lên khỏang 25%, từ 115.000 đồng lên 145.000 đồng/kg. Nhóm hàng hải sản tăng thêm 20.000 – 40.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ. Giá các loại rau như: bắp cải trước đây là 8.000 đồng/kg thì hiện tăng lên 12.000 -13.000 đồng/kg; Rau muống trước đây 2.000 đồng bây giờ 4.000 đồng/mớ .

Giá thực phẩm tại Hà Nội tăng từ 10 - 20% tuỳ mặt hàng

Không chỉ có các loại thịt, thuỷ sản và rau, củ tăng giá, mà các loại gạo  cũng tăng mạnh khoảng 4.000 – 5.000 đồng/kg. Bắc Hương hiện có giá bán 15.000 đồng/kg, Tám thái 25.000 đồng/kg, Tám sữa 20.000 đồng/kg, Tám Hải Hậu 15.000 đồng/kg và Xi dẻo 12.000 đồng/kg. Theo nhiều chủ cửa hàng, giá gạo tăng là do đợt lũ lụt vừa qua tại Miền Trung nên gạo không chuyển ra được. Chính vì vậy, mỗi xe gạo chuyển ra các chủ cửa hàng phải chia nhau mỗi người vài bao.

Chị Nguyễn Thanh Hải chủ cửa hàng gạo tại 135 đường Trần Đăng Ninh, Cầu Giấy cho biết: Gạo tăng 1 tuần nay, gạo Bắc Hương tăng 20.000/ 1 yến gạo. Trước đây Bắc Hương chỉ 11,5 nay lên 15, tất cả các loại gạo khác như tám thái, khăng dân, xi…gạo nào cũng lên giá. Đợt này là đợt tăng giá nhất so với các năm. Chị Hải cho rằng gạo còn tiếp tục tăng vì mấy hôm  chị đi lấy hàng đều không có gạo.

Tại các siêu thị khác như Intimex, Fivimart, Big C, giá các loại thực phẩm như: thịt, rau củ quả, dầu ăn… cũng tăng cao hơn.

Giá các loại thực phẩm tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân nhất là người có thu nhập thấp. Bà Tống Thị Dung ở Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội cho biết: “Nhìn chung các thực phẩm, kể cả gạo đều tăng giá. Cuộc sống của chúng tôi về hưu rất là eo hẹp, bởi lương 2 triệu mà rất nhiều công việc của gia đình phải lo. Không ai quản lý được giá đó, cứ trôi nổi như thế không có người quản lý. Đề nghị phải có chính sách thế nào cứ để giá tăng tự do”.

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội, giá cả một số mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng trong tháng 10. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tăng đột biến theo quy luật của thị trường khi những tháng cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp chuẩn bị lượng hàng hóa cho nhu cầu Tết âm lịch...

Ngoài ra, cũng do đợt thiên tai lũ lụt xảy ra tại miền Trung nên nguồn hàng phải phân phối vào phía trong. Đồng thời, dịch tai xanh đã cơ bản được đẩy lùi nhưng vẫn còn ảnh hưởng đến nguồn cung đã làm giá cả đẩy lên trong những ngày qua. Để đảm bảo nguồn hàng và không để các đơn vị kinh doanh lợi dụng tăng giá Sở Công thương đã có nhiều biện pháp thực hiện kiềm hãm tốc độ tăng giá, bình ổn giá trên thị trường thành phố Hà Nội.

Sự không ổn định và biến động của các mặt hàng thực phẩm ở thời điểm hiện nay đang tạo tâm lý không yên tâm cho nhiều người tiêu dùng và các bà nội trợ. Tuy nhiên, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng cùng với các điểm bán hàng bình ổn giá hy vọng thời gian tới giá cả sẽ ổn định trở lại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên