Nhiều phát hiện khảo cổ học có giá trị
Ngày 29/9, Viện Khảo cổ học tổ chức hội nghị thông báo "Những phát hiện mới về khảo sát học lần thứ 45 năm 2010" với 450 thông báo ở 4 vấn đề về thời đại đá, kim khí, khảo cổ học lịch sử và Chămpa-Óc Eo.
Tiến sĩ Bùi Văn Liêm, Viện Khảo cổ học cho biết: Có nhiều phát hiện có giá trị như khai quật 16 di chỉ khảo cổ vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La. Các di tích này có các giai đoạn phát triển từ thời đại đá cũ đến thời đại kim khí, xuất hiện các xưởng chế tác công cụ đá giai đoạn muộn, mộ táng của cư dân đá mới hoặc kim khí. Tại hang Lý Chùn, tỉnh Thanh Hoá, các nhà khảo cổ học đã phát hiện dấu tích thời đại kim khí và giai đoạn phong kiến.
Trong lần khai quật thứ 7 tại Đình Tràng (Hà Nội) trên diện tích lớn 300 m2, kết quả thu được thành công nhất trong các lần khai quật vì đã phát hiện ra hệ thống lò nấu đồng và vết tích luyện kim, các di cốt thuộc giai đoạn Phùng Nguyên nằm trong tầng sinh thổ, vết tích đoạn luỹ đất.
Các nhà khoa học đang khảo cổ tại Quảng Ngãi |
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Sở Văn hoá -Thể thao và Du lịch Ninh Bình khai quật khu trung tâm di tích Hoa Lư trên tổng diện tích 830 mét vuông, đã làm xuất lộ nhiều vết tích kiến trúc và rất nhiều hiện vật với các loại hình khác nhau, đặc biệt là đã tìm thấy một đoạn móng tường dài hơn 30m chạy theo trục bắc - nam tại khu vực giữa đền vua Đinh và vua Lê. Ngoài ra, có một số bài giới thiệu về các hiện vật độc đáo trong các bảo tàng như đầu Shiva vàng, chiếc choé Gò Sành ở bảo tàng TP HCM, phát hiện các hiện vật như di vật đất nung hình tháp ở Bình Định, chiếc cà-om của người Chăm ở Quảng Trị.../.