Nhớ vùng cao chân chất, thật thà

VOV.VN - Với phóng viên Thanh Nga, dù vất vả, nhưng 1, 2 tháng không đi công tác là cảm thấy nhớ núi, nhớ người vùng cao.

Dù mới phát sóng được vài tháng nhưng 2 chương trình “Tìm hiểu các dân tộc Việt Nam” và “Sắc màu các dân tộc Việt Nam” đã có chỗ đứng trong lòng thính giả bởi đã phản ánh đời sống, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho bà con. Là phóng viên trẻ nhưng các bạn đã rất có ý thức khi tên tuổi mình gắn với chương trình”

Được khám phá con người và vùng đất mới khiến Thanh Nga ngày càng say nghề (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Dù mới ra đời nhưng sự độc đáo, mới lạ của Chương trình “Sắc màu dân tộc Việt Nam” và “Tìm hiểu các Dân tộc Việt Nam” của Hệ phát thanh Dân tộc, Đài TNVN đã nhanh chóng tạo được dấu ấn đối với thính giả của VOV. Đóng góp vào thành công đó, có công sức không nhỏ của nữ phóng viên trẻ Thanh Nga.

Vợ lên núi, chồng xuống biển

Dáng người mảnh khảnh, khuôn mặt tươi tắn, hiền lành, ít người nghĩ cô phóng viên trẻ Thanh Nga lại là người dám xông pha lên những vùng miền núi heo hút. Sau khi tốt nghiệp khoa Ngôn ngữ học, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn năm 2007, Thanh Nga đã tìm được một công việc mà cô mơ ước là làm giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.

Khi công việc đang dần ổn định thì một lần, tình cờ đọc báo thấy Đài TNVN tuyển phóng viên, Thanh Nga muốn thử sức nên nộp hồ sơ dự thi. Thi xong, việc dạy học lại cuốn Nga đi, nên cô cũng quên bẵng cả ngày công bố kết quả, và bất ngờ cô được gọi đến để nhận quyết định trúng tuyển. Tuy vui nhưng Nga đã phải đứng trước quyết định khó khăn: chọn công việc ổn định để có thời gian chăm lo cho gia đình hoặc chọn nghề phóng viên gắn với những chuyến công tác.

Nga vui vẻ nói: “Dù không được học chuyên ngành báo chí nhưng lúc đó, với bản tính của tuổi trẻ thích được thử thách với cái khó, muốn được đi nhiều để khám phá nên tôi đã quyết định chọn nghề phóng viên. Đặc biệt là được làm phóng viên Hệ phát thanh Dân tộc thì việc khám phá con người và những vùng đất mới khiến tôi rất háo hức”.

Điều đáng khâm phục, chồng Nga là bộ đội hải quân, hiện đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Ở nhà chỉ có Nga với cậu con trai nhỏ gần 2 tuổi đang cần sự chăm sóc của mẹ. Thế nhưng, công việc phóng viên đòi hỏi cô phải thường xuyên có những chuyến công tác tại các tỉnh miền núi.

“Do tháng nào mẹ cũng đi công tác khoảng 1 tuần, bé lại phải nghỉ học để mẹ đưa về Hải Phòng nhờ ông bà ngoại chăm sóc. Vì thế, cứ mỗi lần đi học trở lại, bé hay khóc lóc. Chồng tôi cũng động viên 2 mẹ con và nói, khi nào được về đất liền công tác, sẽ chăm sóc con cái để vợ đi công tác cho yên tâm. Đối với tôi, thu xếp công việc ở cơ quan để khi mình đi không ảnh hưởng đến chương trình còn khó khăn hơn nhiều so với thu xếp việc nhà” - Nga tâm sự.

Điều khó khăn nhất cũng là hấp dẫn nhất

Hai chương trình “Tìm hiểu các dân tộc Việt Nam” và “Sắc màu các dân tộc Việt Nam” hiện chỉ có hai nữ phóng viên trẻ là Thanh Nga và Hồ Hải Huyền thực hiện.

Khi được hỏi, điều gì khiến Nga luôn muốn “xách ba lô lên và đi”, Thanh Nga vui vẻ: “Đối với tôi, điều khó khăn cũng là điều hấp dẫn nhất khi có những chuyến công tác xa. Mỗi lần đến một vùng đất mới, được khám phá nhiều điều thú vị, mang đến cho tôi nhiều cảm xúc khác nhau. Thậm chí, được nếm những món đặc sản ở vùng đất ấy cũng chính là trải nghiệm thú vị để mình viết bài”.

Thanh Nga kể: “Chuyến đi ấn tượng gần đây nhất của tôi với nữ đồng nghiệp Hà Thảo là chuyến đi tìm hiểu về dân tộc Brâu. Trên đường đi từ huyện Ngọc Hồi về TP. Kon Tum gặp bão, thủy điện xả lũ, đường bị ngập cao đến 3 mét. Những chiếc xe khách Bắc - Nam cũng phải quay về vì không thể đi được. Cả hai đều đắn đo nghĩ, đã đến đây rồi mà không gặp được nhân vật, gặp được bà con thì rất đáng tiếc. Cả đêm nghe gió bão rú rít mà lo. May mắn hôm sau nước rút dần, hai chị em lập tức lên đường, nhưng khi thuê xe ôm thì lái xe từ chối do đường sá nguy hiểm, nên đành phải gọi taxi. Chuyến đi đó tôi đã gặp được nhiều bà con và có được nhiều thông tin hay. Hoặc chuyến lên Hà Giang mới đây, đường đi vô cùng hiểm trở, tôi lại bị say xe. Mọi người đùa là đã tiêu hết cả lạng túi nilon. Ấy vậy mà khi xuống xe gặp bà con, mình lại lao vào tác nghiệp. Tuy nhiên, khi về nhà mới thấy mệt rã rời. Vất vả là thế nhưng nếu một, hai tháng không đi công tác tôi cảm thấy nhớ núi, nhớ những người dân vùng cao chân chất, thật thà!”.

Theo Thanh Nga, khi đến các vùng dân tộc phóng viên phải “nhập gia tùy tục”, phải biết những điều họ kiêng kỵ. Nhưng điều khiến Nga cảm động là, bà con dân tộc nào cũng rất mến khách, nhà có gì quý họ mang ra mời nhiệt tình, có khi chỉ là quả chuối, chén rượu... Thấy phóng viên đến tận thôn bản để viết bài, bà con rất vui vì có những dân tộc chỉ có vài trăm người nên họ cứ nghĩ không ai biết đến họ. Khi được nghe tiếng nói, được giới thiệu nét văn hóa của dân tộc mình trên sóng Đài quốc gia, bà con thích lắm. Nhiều bà con rất yêu quý phóng viên nhà Đài, cứ thỉnh thoảng gọi điện mời về dự lễ hội, hay có khi chỉ để hát cho nghe một bài của dân tộc mình... “Nếu không có những niềm vui, sự khích lệ như vậy khó có thể trụ được lâu với công việc của một phóng viên phát thanh dân tộc”- Thanh Nga tâm sự.

Muốn làm được nhiều hơn cho bà con

Tuy là chương trình khoa giáo và mỗi chương trình chỉ dài từ 10-15 phút, nhưng để hấp dẫn, chuyển tải tốt nhất đến người nghe, thực sự không hề dễ. Thanh Nga tâm sự: “Điều chúng tôi trăn trở nhất khi thực hiện chương trình khoa giáo là làm sao có cách dàn dựng ấn tượng nhất. Nếu chỉ khơi khơi giới thiệu đặc trưng của các dân tộc sẽ dễ khô cứng nên chúng tôi phải tìm cách thể hiện mới, đó là chọn lọc được chi tiết đặc sắc nhất của vùng dân tộc và để bà con tự giới thiệu nét đặc trưng thể hiện qua đời sống văn hóa như thế nào, qua kiến trúc nhà cửa, tập quán canh tác, thậm chí để họ biểu diễn bài hát và phô diễn nét văn hóa rất riêng của họ... Đồng thời, vì đây là chương trình chuyên sâu nên ngoài việc để bà con giới thiệu về nét đặc trưng của dân tộc mình thì việc đối chiếu ý kiến của các chuyên gia cũng vô cùng quan trọng. Bởi thực tế, do văn hóa giao thoa giữa các vùng miền rất mạnh nên không phải lúc nào bà con cũng phân biệt được cái nào là bản sắc của riêng mình. Đi công tác đã vất vả, nhưng để hoàn thành một chương trình cũng thật sự kỳ công vì phải lo dàn dựng, pha âm tiếng động sao cho nổi bật ý đồ của bài viết”./.

Nhà báo Minh Huệ, Phó Giám đốc Hệ VOV4

Chương trình “Tìm hiểu các Dân tộc Việt Nam” đã tạo được khác biệt so với các chương trình phát thanh dân tộc khác chính là ở tính hệ thống, chuyên sâu về một dân tộc nào đó. Nhà báo Minh Huệ, Phó giám đốc Hệ VOV4 cho biết: “Do đòi hỏi cao của chương trình nên chúng tôi phải “chọn mặt gửi vàng”. Thanh Nga là phóng viên say nghề, có năng lực tổng hợp vấn đề, đặc biệt là sẵn sàng truy đến cùng vấn đề chứ không chấp nhận thông tin kiểu “chuồn chuồn đạp nước” nên chắc chắn sẽ có những sản phẩm tốt. Nhóm thực hiện chương trình luôn trăn trở là người nghe có được thông tin gì từ mỗi chương trình? Thông tin đó có thực sự hữu ích không? Và làm sao để chương trình tôn vinh nhiều giá trị văn hóa các dân tộc, khiến cho họ thêm yêu, thêm tự hào và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Trước đây khi xây dựng chương trình, chúng tôi cũng lo là không có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này, nhưng giờ họ đã kết nối được cả đội ngũ chuyên gia hùng hậu 50 - 60 người ở khắp các vùng miền đất nước”.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên