Những khẩu hiệu vì trẻ em

Những khẩu hiệu này được trưng trang trọng ở khắp nơi. Nhưng hiện nay, nhìn vào thực tế, thấy nhiều lúc, nhiều nơi người ta không làm đúng như khẩu hiệu

Trong tâm mỗi người, có lẽ không ai lại không yêu quý trẻ em, bởi lẽ chúng là con, là cháu, là em ta và bản thân ta cũng đã từng là chúng. Xã hội luôn chú trọng việc quan tâm đến lứa tuổi này. Quốc hội ta có cả một ủy ban Văn hóa - giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng mà hoạt động đã dành một tỷ lệ đáng kể cho việc chăm sóc thiếu niên, nhi đồng. Rất nhiều khẩu hiệu có ý nghĩa đã xuất hiện từ lâu: Trẻ em như búp trên cành, vì tương lai con em chúng ta, Trẻ em là tương lai của đất nước… Sinh thời, Bác Hồ luôn căn dặn: “Vì lợi ích 10 năm phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”.

Những khẩu hiệu trên đã được trưng trang trọng ở khắp nơi. Nhưng hiện nay, nhìn vào thực tế, thấy nhiều lúc, nhiều nơi người ta không làm đúng như khẩu hiệu. Thậm chí còn ngược lại! Liệu đã có ai, cơ quan, đoàn thể nào nghĩ tới việc khảo sát, điều tra trẻ đưa ra một con số: hiện nay, những công trình, “sân chơi” dành riêng cho trẻ em ở Hà Nội là bao nhiêu? Khắp nơi, người ta mở sân golf, sân quần vợt, vũ trường, sàn nhảy… để phục vụ người lớn. Nhưng liệu đã có cái gì chuyên phục vụ các em (mà người lớn không được tham dự)? Hầu như không có một rạp chiếu phim, rạp hát, bể bơi, sân cầu lông, bãi đá bóng, sân vận động… nào chỉ để dành riêng cho chúng, mà tất cả đều lẫn lộn, dùng cả cho người lớn. Đã vậy thì việc người lớn lấn át, “cướp” quyền lợi của trẻ em là đương nhiên xảy ra. Tất cả những khoảng lưu không, bãi đất trống ở các khu tập thể đều bị người lớn “tranh giành” để tập thể dục, thể hình, chơi cầu lông… Trẻ em bén mảng, lập tức bị đuổi. Trong quá khứ từng có một rạp chiếu bóng mang tên Kim Đồng, dành riêng phục vụ thiếu nhi. Nhưng về sau, liền biến thành nơi kinh doanh. Người ta đã bất chấp lợi ích, nhu cầu của các em.

Bạo lực, xâm hại tình dục, bắt cóc, buôn bán trẻ em có chiều hướng gia tăng mà pháp luật đã chưa thể dẹp bỏ. Đó là nỗi nhức nhối của toàn xã hội. Rồi các em bị thất học không phải là quá hiếm hoi, do chế độ học phí và nhiều khoản “phí” khác bất hợp lý. Hãy thử hỏi đám trẻ lang thang đi đánh giày ở khắp các ngõ, ngách Hà Nội xem số mù chữ là bao nhiêu, mặc dù chúng đang ở độ tuổi đi học. Bỏ học để đi kiếm sống quá sớm khi tuổi còn nhỏ, liệu có đáng để người lớn chúng ta suy nghĩ?

Hãy thực hiện bằng được những khẩu hiệu vốn dĩ rất ý nghĩa, giàu tính nhân văn. Đã rất chí lý khi người ta nói rằng hãy nhìn vào cung cách đối xử với trẻ em và phụ nữ ở một quốc gia để thấy mặt bằng dân trí ở nơi đó. Quả là một vấn đề không nhỏ, rất đáng khiến cả xã hội quan tâm để thực thi gấp những biện pháp, nhằm mau chóng cải thiện tình hình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên