Những mùa Xuân Bính Thân trong lịch sử
VOV.VN - Trong thời khắc thiêng liêng của đất trời, mỗi người Việt Nam luôn bồi hồi nhớ về những năm tháng lịch sử của dân tộc.
Những cành đào, cành mai đã khoe sắc báo tin xuân về khắp mọi miền đất nước. Trong thời khắc thiêng liêng của đất trời, mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới, mỗi người Việt Nam luôn bồi hồi nhớ về những năm tháng lịch sử trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Năm Bính Thân 1056, dưới triều Lý, vua Lý Thánh Tông hạ chiếu khuyến nông với quy mô lớn, khuyến khích các chính sách phát triển nông nghiệp.
Năm Bính Thân 1416, Lê Lợi tổ chức Hội thề Lũng Nhai (Thanh Hóa), cùng 18 vị anh hùng hào kiệt tổ chức lễ tế cáo trời đất, kết nghĩa anh em, nguyện hợp sức phát động cuộc khởi nghĩa đánh giặc Minh.
Năm Bính Thân 1716, vua Lê Hy Tông cho thi hành lệ chia đều thuế đinh và điền, mở đầu cho chính sách bình đẳng về thuế, người giàu và nghèo, người ít và nhiều ruộng tương trợ lẫn nhau, không có sự thiên lệch người này chịu thuế nặng hay người kia chịu thuế nhẹ.
Năm Bính Thân 1776, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn lan rộng và giành nhiều thắng lợi. Nguyễn Lữ đem thủy binh đánh chiếm Gia Định khiến chúa Nguyễn Phúc Thuần đại bại, phải chạy về Đồng Nai. Nguyễn Nhạc xưng vương, hiệu Thái Đức, lấy Quy Nhơn làm kinh đô, sửa sang lại thành Đồ Bàn làm Hoàng đế thành (tục gọi Đế Kinh).
Năm Bính Thân 1836, vua Minh Mệnh (Nguyễn Phúc Ánh) xác lập chủ quyền toàn vẹn trên quần đảo Hoàng Sa, cử đội trưởng thủy quân Phạm Hữu Nhật, người làng An Vĩnh (Lý Sơn, Quảng Ngãi), đem binh thuyền đến đo đạc, cắm mốc, dựng bia chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa. Cũng trong năm Bính Thân, vua Minh Mệnh cho thành lập Phủ Tây Ninh là tỉnh Tây Ninh hiện nay.
Năm Bính Thân 1896, trước chính sách cướp bóc và bình định quân sự của thực dân Pháp, tại Yên Thế tỉnh Bắc Giang nổ ra cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế và đã giành được thắng lợi buộc quân Pháp hòa hoãn và rút khỏi Yên Thế.
Đồng chí Lê Duẩn với các gia đình cơ sở cách mạng miền Nam những năm 1955-1956 (Nguồn Bảo tàng lịch sử quốc gia) |
Năm Bính Thân 1956, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam tháng 01-1956 đã đề ra các Các văn kiện khẳng định miền Bắc đã bước vào giai đoạn quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội và Nghị quyết về "tình hình và nhiệm vụ cách mạng miền Nam" (08/06) xác định mục tiêu của cuộc cách mạng dân tộc và dân chủ.
Công cuộc xây dựng miền Bắc được ghi nhận bằng những thành tựu kinh tế: khôi phục Nhà máy Dệt Nam Định (10/01); khánh thành đường hàng không quốc tế đầu tiên Việt Nam - Trung Quốc (24/04); Nhà máy diêm Thống Nhất (16/06); cầu Việt Trì và khôi phục đường sắt Hà Nội - Lào Cai (07/08); mỏ thiếc Tĩnh Túc (07/10). Hàng loạt hiệp định kinh tế được ký kết với các nước xã hội chủ nghĩa và Ấn Độ (22/09). Đoàn đại biểu vương quốc Lào do Thủ tướng Xuvana Phuma (28,29/08) và đoàn Trung Quốc do Thủ tướng Chu Ân Lai dẫn đầu thăm Việt Nam (18 đến 22/11).
Tháng bảy, công cuộc cải cách ruộng đất hoàn thành sau năm đợt thực hiện đã mang lại ruộng đất cho hơn 10 triệu nông dân. Tháng chín, Hội nghị Trung ương lần 10 đã phân tích những sai lầm trong chỉ đạo thực hiện cải cách ruộng đất. Đồng chí Trường Chinh thôi làm tổng bí thư Đảng Lao động Việt Nam. Hiện tượng và vụ án "Nhân văn giai phẩm" dẫn đến cuộc đấu tranh quyết liệt trên lĩnh vực văn học nghệ thuật. Thành lập khu tự trị Việt Bắc gồm năm tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn; Bắc Cạn; Tuyên Quang và Thái Nguyên (10-8).
Tại miền Nam, Mỹ-Diệm tìm mọi cách phá hoại hiệp thương tổng tuyển cử (04/03) làm dấy lên phong trào đấu tranh ở các đô thị. Ngay lập tức Mỹ - Diệm tập trung thực hiện biện pháp chiến lược “tố cộng, diệt cộng” để đàn áp khủng bố phong trào yêu nước, trả thù những người kháng chiến cũ, tiêu diệt cơ sở cách mạng miền Nam.
Trước tình hình đó, Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (6-1956) đã khẳng định một hướng mới cho cách mạng miền Nam là: Đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang tự vệ. Nghị quyết này đã qua điện đài truyền xuống Xứ ủy Nam Bộ và Liên Khu ủy V. Tháng tám đồng chí Lê Duẩn viết "Đề cương cách mạng miền Nam", và tháng mười hai, Hội nghị Xứ uỷ Nam bộ họp đề ra nhiệm vụ cụ thể. Trận đánh vũ trang đầu tiên nổ ra ở Bến Củi, Tây Ninh (29-10) và cuộc nổi dậy bạo động của tù chính trị tại nhà lao Biên Hoà (cuối 12-1956) là những dấu hiệu sớm cho xu thế tất yếu của cách mạng miền Nam.
Nguyên khí mùa Xuân
Năm Bính Thân 2016 này, nhân dân cả nước vui mừng chào đón thành công của Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa 14 và Hội đồng nhân dân các cấp./.