Những tiệm bách hóa trên sông

Những chiếc ghe chở hàng ở vùng sông nước Cà Mau được ví như những “cửa hàng di động” mang hàng đến tận nhà người tiêu dùng, góp phần đưa hàng Việt về nông thôn

Ở vùng quê sông nước Cà Mau, ngày ngày có những chiếc ghe len lỏi dọc ngang kênh rạch chở đủ mọi loại hàng hóa, phục vụ người tiêu dùng. Bà con ở hai bờ kênh, chỉ cần nghe tiếng máy nổ sẽ biết chính xác đó là ghe hàng của ai. Gần chục năm về trước, tại các khu đông dân cư như thị trấn, trung tâm huyện, ngành thương nghiệp Cà Mau đã xây dựng một số cửa hàng bách hóa phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Tại các cụm dân cư, những hộ có vốn, có kinh nghiệm làm nghề thương mại cũng mở tiệm tạp hóa buôn bán. Hai loại hình thương nghiệp Nhà nước và tư nhân này cùng tồn tại và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Vài năm trở lại đây, do hệ thống thủy lợi được khơi thông và dân cư đông đúc, tại Cà Mau xuất hiện những chiếc ghe hàng chở hàng hóa len lỏi qua những dòng kinh, con rạch vào sâu nội đồng phục vụ người tiêu dùng. Bà con quê tôi gọi đó là những tiệm bách hóa di động.

Một chiếc ghe bầu với chiều dài chừng 8m, ngang 2,5m, có trọng tải chừng từ 2 - 2,5 tấn hàng hóa. Ghe được lắp một động cơ thủy loại máy D20 hoặc D22, tốc độ 15 - 18 km/giờ. Trên ghe chở đủ mọi hàng hóa đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, từ rau xanh, các loại gia vị, giày dép, vải sợi, đến bóng đèn, dây điện, hàng kim khí…

Hôm về quê, trong lúc mua hàng, tôi hỏi anh Ba Ẩn - chủ một ghe hàng còn mới toanh: Chiếc ghe này, anh sắm hết bao nhiều tiền? Cả ghe và máy hơn 40 triệu đồng. Còn tất thảy hàng hóa trị giá bao nhiêu? Anh Ba Ẩn thông tin: Khoảng 60 triệu đồng. Như vậy, tổng vốn đầu tư cho mỗi tiệm tạp hóa di động khoảng chừng 100 triệu đồng. Cũng có nhiều ghe giá trị hàng hóa tới vài trăm triệu đồng, vì hàng hóa nhiều loại mắc tiền, như nồi điện, quạt điện…

Doanh thu của những chiếc ghe hàng phụ thuộc vào thời vụ và nhu cầu mua sắm của bà con. Hàng hóa bán được nhiều thường vào lúc giáp Tết, bà con mua vải vóc, quần áo cho con cái, sắm tiện nghi trang hoàng trong nhà… Qua trò chuyện, một số chủ ghe hàng cho biết: Nếu xóm nào đời sống của bà con khấm khá, thì ghe bán được nhiều hàng và thu được tiền mặt. Còn những xóm dân nghèo, bà con mua hàng thiếu (nợ), chờ lứa chuối, hoặc con nước xổ tôm có tiền mới trả. Lúc đó, chủ ghe phải có nhiều vốn cất hàng. Anh Tư Miên, chủ một ghe hàng nho nhỏ cho tôi xem cuốn sổ ghi danh sách nợ dài tới vài chục hộ và tổng dư nợ gần 20 triệu đồng.

Anh Hai Tỷ, Trưởng Ban nhân dân ấp 10C, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời đếm: mỗi ngày có 6 chiếc ghe hàng đi qua các con kênh trong ấp. Ở huyện Năm Căn - địa bàn lắm rạch, nhiều kênh, theo thống kê của Phòng Công thương, toàn huyện có trên 200 chiếc ghe hàng. Tìm hiểu việc thực hiện nghĩa vụ thuế, ông Phạm Khắc Ghi, Cục trưởng Cục thuế Cà Mau cho biết: Số ghe hàng hoạt động thương mại hiện có hai đối tượng tham gia. Một là chủ các doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động nên sắm cùng lúc 3, 4 chiếc ghe có trọng tải lớn từ 5, 6 tấn trở lên, chở hàng về vùng nông thôn mua bán. Với đối tượng này, ngành thuế căn cứ vào doanh thu để tính thuế. Loại ghe hàng nhỏ, phạm vi hoạt động trong vòng ấp, xã, ngành thuế giao cho đội thuế của địa phương thu hoa chi, bến bãi, tổng thu chừng vài trăm ngàn đồng/quí.

Mỗi chiếc ghe hàng có một hình thức thông tin đến người mua. Chiếc thì dùng kèn nhựa thổi tí toe; Chiếc khác lại dùng máy tàu báo tin; cũng có những ghe hàng kết một số hàng hóa thành đùm treo lủng lẳng phía trước ghe… Dù hình thức nào, người mua cũng biết, thậm chí thuộc tên của chủ ghe. Nào là ghe của chị Năm, bà Bảy, cậu Mười… Chủ ghe hàng phục vụ các “Thượng đế” rất thịnh tình. Người mua đặt hàng hôm trước, hôm sau, chủ ghe đã đưa hàng tới bến. Nhất là lúc nhà có đám tiệc, chủ nhà cần từ bao than, bịch đường, gói bột, cây nước đá… tất tật chủ ghe đều cung ứng đầy đủ, giá cả hàng hóa giữa các ghe không chênh lệch là bao. 

Các “tiệm tạp hóa di động” đa phần bán hàng trong nước sản xuất. Có thể nói, chủ trương “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đang được những chiếc ghe hàng cung ứng đến người tiêu dùng ở vùng nông thôn rất hiệu quả và sinh động./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên