Ninh Thuận với chương trình xây dựng nông thôn mới

Là một trong những tỉnh khô hạn nhất cả nước, những năm gần đây, Ninh Thuận đã đầu tư đáng kể cho các công trình đại thủy nông.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đầu tư xây dựng nhiều dự án cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn, vì vậy đời sống và sản xuất của nông dân Ninh Thuận được cải thiện và nâng cao đáng kể. Những đổi thay đó lại được Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới giúp sức nên càng rõ rệt hơn…

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Ninh Thuận đã chọn 3 xã làm điểm là Phước Thái, huyện Ninh Phước; Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn và Xuân Hải, huyện Ninh Hải. Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2015 có 11 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới và đến năm 2020 là 24/47 xã đạt chuẩn thực hiện Chương trình này…

Người dân đóng vai trò chủ thể

Xã Phước Thái, huyện Ninh Phước có trên 65% số dân là người dân tộc Chăm, là địa phương đi đầu trong nhiều phong trào của huyện, của tỉnh, như phong trào khuyến học, khuyến tài; phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ngay khi Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, thấy được ý nghĩa kinh tế - xã hội to lớn của chủ trương này, Đảng ủy, UBND xã Phước Thái chủ động xây dựng Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Và, khi tỉnh Ninh Thuận triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới đã chọn Phước Thái là một trong 3 xã làm điểm của tỉnh.

Ông Lưu Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Phước Thái, Trưởng Ban kiến thiết nông thôn mới của xã cho biết: “Sau khi được tỉnh chọn làm điểm, xã đã thực hiện công tác đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí. Đến nay, chúng tôi đạt được 7/19 tiêu chí. Theo quy trình 7 bước đến nay xã đã triển khai xong quy hoạch trung tâm hành chính cụm xã, đang xúc tiến quy hoạch điểm dân cư nông thôn, quy hoạch không gian, cũng như quy hoạch chi tiết, đồng thời chọn một số hạng mục công trình ưu tiên đầu tư theo Chương trình phát triển nông thôn mới”.

Kinh nghiệm lớn nhất qua mô hình xây dựng nông thôn mới ở Phước Thái, theo lãnh đạo ở đây, đó là phát huy được sức mạnh nội lực toàn dân theo phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý và dân sử dụng các công trình hạ tầng cũng như các thiết chế xã hội của địa phương. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, được Ban Kiến thiết nông thôn mới của xã hết sức quan tâm.

Ông Lưu Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Phước Thái, cho biết: “Căn cứ vào Sổ tay xây dựng nông thôn mới do Ban Chỉ đạo Trung ương biên soạn, chúng tôi có biên soạn lại tuyên truyền cho người dân để người dân bàn, góp ý thực hiện tốt chương trình này. Đặc biệt, chúng tôi tuyên truyền vai trò ý thức của người dân: Việc xây dựng nông thôn mới, người dân đóng vai trò là chủ thể, Nhà nước chỉ là hỗ trợ, để người dân khỏi chủ quan trông chờ ỷ lại về kinh phí Nhà nước. Bởi vì mục tiêu cuối cùng của Chương trình xây dựng nông thôn mới người dân – chính người dân được hưởng lợi trực tiếp”.

Do chú trọng công tác tuyên truyền, nên đa số người dân đều hiểu biết khá cặn kẽ và sẵn lòng ủng hộ chủ trương lớn vì dân này của Đảng và Nhà nước. Lão nông người Chăm - Háng Văn Lô, ở thôn Hàn Ni, xã Phước Thái cho biết, ông nhận thức được tác dụng to lớn của Chương trình xây dựng nông thôn mới của Nhà nước sẽ làm thay đổi căn bản nề nếp sinh hoạt, cách làm ăn khoa học hơn, mọi người sẽ chuyển đổi từ làm riêng lẻ sang sản xuất kinh doanh có hiệp hội, góp phần tăng thêm thu nhập cho bà con.

Ông Háng Văn Lô hào hứng: “Qua tuyên truyền ở xã, chúng tôi cũng nhận thấy, vấn đề thực hiện nông thôn mới trước đây Nhà nước ta đã có nhiều hình thức, nhiều dự án đưa về nông thôn, nhưng mà chỉ làm từng khúc. Nhưng triển khai lần này tôi thấy có  mở rộng hơn, đầy đủ và ổn định lâu dài hơn. Khi phát triển nông thôn mới là hộ dân chúng ta sẽ có điều kiện sắp xếp bố trí khu dân cư lại để người dân có điều kiện sinh hoạt hơn; hoặc là mở rộng các công trình giao thông, thủy lợi phù hợp để phát triển; đồng thời sẽ củng cố lại HTX để tất cả những sản phẩm về đầu ra hay đầu vào, giá cả thị trường… khỏi bị tình trạng tư thương bên ngoài ép giá”.

Tháo gỡ khó khăn

Để tháo gỡ những khó khăn trong chỉ đạo triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, mới đây tỉnh Ninh Thuận đã kiện toàn lại toàn bộ các Ban chỉ đạo từ tỉnh đến huyện, xã. Các sở, ngành, phòng ban với chức năng được phân công thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho ban chỉ đạo các cấp. Tỉnh chọn một số xã có khả năng đẩy mạnh công tác quy hoạch chi tiết, trong đó chú trọng trước tiên là quy hoạch về sản xuất như giao thông, thủy lợi, đường điện, trạm cấp nước; hoàn thiện quy hoạch hạ tầng dân cư và quy hoạch trung tâm cụm xã...

Quá trình triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, Ninh Thuận cũng gặp phải một số khó khăn chung như các tỉnh, thành khác và cũng có khó khăn riêng của một tỉnh khô hạn nhất cả nước. Sản xuất nông nghiệp ở đây phải đầu tư rất lớn về các công trình thủy lợi như hồ, đập chứa nước, các kênh mương dẫn nước… Ông Châu Thăng Long, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận, Phó Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh nêu kiến nghị: “Chúng tôi đề nghị Bộ Xây dựng sẽ hướng dẫn thông tư quy hoạch để cụ thể hơn. Các bộ, ngành phải đồng bộ các hướng dẫn như về tài chính, quản lý tài chính… Đặc biệt bây giờ, Bộ NN-PTNT cố gắng đào tạo sớm cho anh em ở tỉnh để chúng tôi đào tại lại cho huyện và tạo điều kiện cho chúng tôi đi tham quan học hỏi lẫn nhau để về làm cho tốt hơn. Ninh Thuận là một tỉnh nghèo cho nên với mức đầu tư như vậy thì chậm phát triển, nhất là về cơ sở hạ tầng và sản xuất, cũng mong rất mong nhiều dự án chính phủ và phi chính phủ lồng ghép vào sản xuất thì mới có thể đẩy mạnh sản xuất lên được”.

Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Thuận xác định, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm là đẩy nhanh công tác quy hoạch, chú trọng đào tạo tập huấn đội ngũ cán bộ tham gia chương trình, tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân tự giác tham gia và đóng góp cho công cuộc xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả cao./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên