Nỗi đau gặm nhấm trái tim

Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đang tái sinh, nỗi đau thương mất mát cũng đang dần khép lại. Nhưng với những người mang trong mình di chứng của chất độc da cam  thì vẫn khắc khoải với nỗi đau không hề nguôi ngoai.

Cuộc sống của họ đều rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn, cần sự đồng cảm, sẻ chia của cộng đồng.

Khó khăn lắm anh Anhơr, 25 tuổi, dân tộc Ba Na, nạn nhân chất độc màu da cam ở làng Blên, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai mới ú ớ nói  được: “Tôi bị bại liệt do nhiễm chất độc da cam của Mỹ. Cha tôi nuôi tôi, tôi không làm được gì cả. Nhà nước hỗ trợ cho tôi 1 chiếu xe lăn, để tôi đi lại”.

Gia đình Anhơr có 5 anh em, Anhơr và người anh cả đều bị di chứng của chất độc da cam, cả hai đều bị tàn tật. Ông Anhach, 80 tuổi, cha của Anhơr cho biết: “Hồi nhỏ Anhơr vẫn đi được vài bước, nhưng càng lớn, đôi chân càng yếu và teo nhỏ lại. Gia đình đã chạy chữa nhiều nơi, tốn nhiều tiền của nhưng  vẫn không đi được.”

Hàng ngày, mỗi khi nhìn đứa con trai của mình cứ bò lết đi lết lại, lẩn quẩn trong nhà, lòng ông Anhách đau quặn. Ông Anhach nghẹn ngào: “Con cái tôi bị tàn tật. Thằng anh cả cụt hết ngón tay, chân. Thằng thứ bị liệt do nhiễm chất độc da cam không đi đứng, không tự vệ sinh được. Mẹ chúng nó chết rồi, một mình tôi chăm lo, nuôi nấng chúng nó khó khăn, vất vả lắm”.

Gia đình Anhơr khó khăn, đau khổ là vậy, nhưng hoàn cảnh của Jo “Què”, 24 tuổi ở làng Hlim còn khó khăn hơn. Chân của Jơ bị liệt bẩm sinh, lại bị câm điếc, người điên điên khùng khùng, lúc cười lúc khóc… Đáng thương hơn là cha mẹ Jo lần lượt chết vào năm 1990, lúc Jo chỉ mới 5 tuổi. Từ đó, mọi gánh nặng cuộc sống đều dồn vào đôi vai gầy của người cậu út Đinh Chưt, mới 14 tuổi. Đến nay, Đinh Chưt đã lập gia đình, sinh 2 đứa con, nhưng anh vẫn luôn chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho cháu gái bị tật nguyền. Hơn 19 năm nuôi nhau, gia đình sống nhờ vào những củ sắn, trái ngô.

Cuộc sống của các nạn nhân phơi nhiễm và nghi nhiễm chất độc da cam đều hết sức khó khăn. Họ là những người nghèo nhất, đau khổ nhất trong những người nghèo và đau khổ. Nhằm góp phần giải toả áp lực tinh thần và gánh nặng cuộc sống cho các đối tượng này, chính quyền và các tổ chức xã hội tại địa phương đang đẩy nhanh công việc khảo sát, làm thủ tục, hồ sơ cho giám định các đối tượng nhiễm chất độc màu da cam.

Anh Đinh Độ, cán bộ chính sách xã Lơ Pang nói: “Chúng tôi đang cố gắng lập thủ tục, làm hồ sơ cho giám định để các nạn nhân chất độc da cam được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước. Chúng tôi rất quan tâm và luôn hướng về các đối tượng này, đồng thời đề nghị các cấp có thẩm quyền nhanh chóng xem xét hoàn tất hồ sơ để kịp thời hỗ trợ động viên, giúp các nạn nhân da cam vươn lên trong cuộc sống, xoá bỏ sự mặc cảm, hoà nhập cùng cộng đồng”

Với mỗi gia đình có nạn nhân da cam, nỗi đau tinh thần lẫn vật chất sẽ mãi gặm nhấm trái tim họ. Góp tay xoa dịu phần nào nỗi đau khủng khiếp ấy, chia sẻ vật chất, động viên tinh thần... là việc rất cần thiết mà chúng ta, có thể làm đối với những con người bất hạnh này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên