Nữ họa sỹ Vũ Bạch Liên - Vẹn cả đôi đường

Đã gặt hái được những thành công nhất định trong sự nghiệp, nhưng với Bạch Liên, con cái mới chính là “dự án” lớn nhất đời của chị

Say sưa, miệt mài tạo ra những tác phẩm kết hợp giữa nhiếp ảnh và đồ họa ẩn chứa những suy tư về cuộc sống. Vũ Bạch Liên vẫn không quên nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình với tất cả tình yêu của một người vợ, người mẹ.

Nữ họa sĩ Bạch Liên cùng chồng và các con

Dấu ấn nghệ thuật

Mặc dù đã có những dấu ấn nhất định trong triển lãm đầu tiên mang tên “Tự nhìn” vào tháng 10/2008, nhưng phải đến triển lãm tranh “Chị và Em” tổ chức tháng 12/2010 (cùng chị gái Vũ Bạch Hoa), tên tuổi Vũ Bạch Liên mới được nhiều công chúng yêu nghệ thuật chú ý tới. Tiếp đó tháng 9/2011, tác phẩm tranh khắc gỗ khổ lớn “Đông về” đã giành giải nhất tranh đồ họa toàn quốc 2011 của Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Niềm vui của nữ họa sỹ trẻ được nhân lên khi tác phẩm này đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chọn mua để trưng bày. Có thể nói đây là thành quả đúc kết của một quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, một nền tảng văn hóa vững chắc đi cùng với những tìm tòi một phong cách rất riêng cho mình.

Sự thành công của Bạch Liên hôm nay cũng có một phần công sức của người cha - họa sỹ Lê Lam và người thầy, họa sỹ Lê Huy Tiếp. Hai họa sỹ này đã có ảnh hưởng tới tư duy nghệ thuật và là nguồn động viên lớn cho Bạch Liên.

Bản sắc riêng

Điều hấp dẫn trong các tác phẩm hội họa của Liên là sự độc đáo trong cách thể hiện. Tác phẩm của chị gạn lọc nét tinh hoa và kết hợp hài hòa giữa nhiếp ảnh và đồ họa. Người xem tranh của Liên thường bị hấp dẫn bởi thứ ánh sáng theo phong cách Phục Hưng, kèm theo sự kỳ bí, mờ ảo nhờ những kỹ xảo đồ họa. Thêm vào đó, luôn có những thông điệp ẩn chứa bên trong tác phẩm. Điều này thể hiện rõ trong các tác phẩm: Dưới tán cổ thụ, Tự vấn, Hồn hoa, Đom đóm trong thành phố…

Thông thường hội họa thể hiện không gian 2D, nhưng nhờ kết hợp cả nhiếp ảnh nên trong tranh của Bạch Liên thường có không gian 3D.

Nữ họa sỹ bộc bạch: “Tôi muốn dùng hình tượng nghệ thuật để nói lên suy nghĩ của mình. Cốt lõi của người làm nghệ thuật là tìm đến cái đẹp, nhưng cái đẹp phải nói lên điều gì đó, chứ không chỉ là cái đẹp làm cho người ta thốt lên rồi sau đó quên mất. Có cái đẹp rồi, tôi muốn người xem phải suy nghĩ về sự tồn tại, về sự hư vô, về sự sống và cái chết, về cái xấu cái tốt, về ánh sáng và bóng tối… Tựu lại là cần có tư tưởng trong đó”.

Ấn tượng sau khi xem tranh của Bạch Liên, họa sỹ Ngô Quang Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Mỹ thuật đã nhận xét: “Bạch Liên đã có nhiều tìm tòi trong hội họa và đồ họa. Tranh của cô vừa có nét truyền thống, vừa hiện đại trong cả bố cục, màu sắc và bút pháp. Có lẽ Bạch Liên được thừa hưởng cái gene của cha rất tỷ mỷ, dịu dàng, uyển chuyển, nhưng lại có những phá cách táo bạo mà hợp lý”.

“Cái đẹp tồn tại như một kho báu lẫn trong cái bình thường nhất mà họa sỹ là người đã phát hiện được” - đó là cảm tưởng của một người xem tranh của Bạch Liên.

Với chị, "dự án" lớn nhất đời là các con

“Dự án” lớn nhất của cuộc đời là các con

Một ngày của Bạch Liên thường bắt đầu bằng việc chuẩn bị cho các con ăn sáng rồi đưa đi học. Chị đặc biệt yêu thích công việc này. Ngay cả khi tham gia trại sáng tác cùng với các họa sỹ nước ngoài, việc này vẫn được chị duy trì đều đặn. Sau khi đưa con đi học là khoảng thời gian chị thư thái suy ngẫm, sáng tác, đọc sách. Đến 3 giờ chiều là lúc đón các con về, tiếp sau đó là việc bếp núc, chơi và kèm các con học. Khi đêm về, lúc chồng con đã ngủ là thời điểm Bạch Liên tập trung sáng tác. Chị kể: “Nhiều đêm mình phải uống 2 cốc cà phê để thức, có những đêm hè oi bức, mình thường phải có chiếc khăn lót để tránh mồ hôi rơi vào tác phẩm”.

Với chị, gia đình luôn đóng vai trò quan trọng nhất. Họa sĩ Bạch Liên tâm sự: “Khi nhìn chồng chơi đùa với các con, mình có cảm giác được chia sẻ gánh nặng về giáo dục và thấy sự gắn kết trong gia đình mạnh mẽ vô cùng. Làm cho những người trong gia đình hạnh phúc, mình cũng thấy hạnh phúc. Khi mọi người trong gia đình có gì không vui thì mình trăn trở, lo lắng. Với mình, “dự án” lớn nhất của đời người là con cái, dù mình có thể tạo ra những tác phẩm tuyệt vời như thế nào đi nữa thì cũng không bằng chúng”.

Có chồng là một thương nhân Hàn Quốc nên Liên luôn cố gắng tạo ra điểm chung giữa hai người, Liên bật mí: “Chồng mình là thương nhân nên mình không kỳ vọng nhận được sự chia sẻ hoàn toàn. Mình luôn kiên trì giải thích cho anh ấy về các tác phẩm. Càng làm việc nhiều, mình lại thấy gần gũi với chồng hơn vì anh ấy tò mò về những thứ mình làm. Anh ấy luôn tự hào giới thiệu với bạn bè, đối tác về tranh của mình”.

Sự cân bằng giữa cuộc sống gia đình và nghệ thuật của Bạch Liên là nền tảng vững chắc giúp chị gặt hái thành công nhất định. Tương lai sẽ còn nhiều áp lực trên con đường nghệ thuật mà chị sẽ phải vượt qua. Công chúng yêu nghệ thuật luôn mong đợi những tác phẩm đẹp từ chị./.

Họa sĩ Vũ Bạch Liên, sinh năm 1976 tại Hà Nội, là con gái của họa sỹ Lê Lam.

Tốt nghiệp Khoa Đồ họa, trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 2004.

Thành viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Giải tặng thưởng tác phẩm “Đầm thu” in độc bản tại Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 2008.

Giải nhất đồ họa 2011 toàn quốc cho tác phẩm khắc gỗ “Đông về”.

Giải B chuyên ngành đồ họa điêu khắc trang trí triển lãm khu vực 1 Đồng bằng sông Hồng.

Có tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, sưu tập của Hội Mỹ thuật Việt Nam và sưu tập cá nhân tại Na Uy, Hàn Quốc, Mỹ….

Một số tác phẩm của họa sĩ Bạch Liên:

Đông về

Đom đóm trong thành phố

Chiều đông

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên