Nữ triệu phú người Mông
Đến nay, hầu hết các hộ trong bản Lồng, xã Tỏa Tình đều tin tưởng làm theo mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Vàng Thị Rùa
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên, ông Sùng Chứ Thếnh không ngớt lời khen ngợi một phụ nữ người Mông, trong những năm qua, ngược xuôi khắp nơi du nhập những cây, con có hiệu quả kinh tế cao đưa về Điện Biên gieo trồng. Chị cũng là người Mông đầu tiên biết trồng loại “dưa Mèo” trước thời vụ, đem lại lợi nhuận cao. Đó là chị Vàng Thị Rùa ở bản Lồng, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo.
Hai bàn tay trắng tạo kỳ tích
Trên đỉnh đèo Pha Đin lộng gió, chúng tôi ghé vào bên đường - nơi có một số người Mông đang bán “táo mèo” cho khách để hỏi thăm đường vào nhà chị Vàng Thị Rùa. Người được hỏi thăm tỏ ra bất ngờ: “Mình là Rùa đây. Nhà mình ở cách đỉnh đèo 5km”. Thật có duyên, mới hỏi thăm đã gặp đúng người mình cần gặp.
Khi biết tôi làm báo, muốn hỏi chuyện để viết bài, chị tỏ ra bẽn lẽn vì vốn tiếng Việt ít, nói không được mấy chuyện “sợ cán bộ lại cười cho”. Trước sự dè dặt của chị, tôi động viên: “Chị làm được gì thì nói đấy”. Mở đầu câu chuyện, chị kể: “Mình sinh năm 1976, lúc nhỏ khổ lắm! Nhà bố mẹ đẻ đông con, có 11 anh chị em gồm 7 gái, 4 trai. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên không được học hành đến nơi đến chốn. Lúc đó, bố mẹ mình rất khổ. Sáng chưa bảnh mắt đã lên nương, tối mịt mới về nhà mà vẫn không kiếm đủ cái ăn, cái mặc cho con cái. Cuộc sống nghèo khó cứ đeo đẳng mãi”.
Năm 1992, chị lấy chồng. Tình cảnh gia đình nhà chồng không khấm khá hơn là mấy, cơm vẫn không đủ ăn. Nhiều đêm hai vợ chồng thao thức bàn tính: Nếu cứ xoay sở làm nương rẫy như bố mẹ thì cho dù làm hết cả đời, hai vợ chồng vẫn không thể xóa được cái đói, cái nghèo. Muốn thoát nghèo phải nghĩ được cách làm khác. Nhưng chữ không biết, không biết trồng cây, con gì, vợ chồng chị nghĩ mãi vẫn không tìm ra được cách làm ăn mới nào.
May thay, vào năm 1993, trong chương trình xóa bỏ cây thuốc phiện, nhà chị được giao 30 cây mận giống. Mận nhà chị được chăm sóc kỹ lưỡng đâm chồi, nảy lộc, ra hoa kết trái trĩu cành. Song, kinh tế gia đình vẫn chưa được cải thiện là bao.
Một năm sau đó, trong một lần xuống chơi nhà người bác, làm công an ở dưới Sơn La, vợ chồng chị đã nhặt được một chiếc ví ở trên đường. Nghĩ là ví của mấy anh công an đi ở đằng trước, nên chị đã nhờ người bác xem giúp là ai và trả lại đồ cho họ. Lòng tốt của anh chị đã được đáp lại.
Nhận được đồ đã mất, mấy anh công an vui mừng khôn xiết. Một thời gian sau, họ tìm lên tận nhà để cảm ơn anh chị với 30 cây sa nhân giống. Họ bảo, cây sa nhân này khá phù hợp với đồng đất, thời tiết khí hậu ở đây, trồng có hiệu quả cao.
Anh chị bắt tay ngay vào việc trồng sa nhân. Vừa trồng, vừa chiết cành nhân giống, cứ thế vườn sa nhân ngày được mở rộng. Trồng sa nhân năm 1994, đến năm 1997 được thu hoạch. Năm đầu tiên do trồng ít nên chỉ thu được 20kg quả sa nhân khô, bán được 1 triệu đồng. Đến nay, vợ chồng chị đã phát triển được 2ha sa nhân, hằng năm thu 100kg quả khô, bán được hơn 20 triệu đồng/vụ.
Thành công đáng nể khác của chị là trồng “dưa mèo” trái vụ. Người Mông thường trồng dưa vào đầu tháng 3, đến tháng 6, tháng 7 thì cho thu hoạch. Lúc đó, do dưa nhiều nên bán không có giá. Vì thế, chị đã nghĩ ra cách làm riêng, trồng dưa từ tháng 1, đến tháng 3 khi người khác xuống giống thì chị đã có dưa để bán. Với việc trồng dưa trái vụ đó, chỉ với 5 tấn dưa chị đã thu được 25 triệu đồng/vụ, hiệu quả hơn nhiều lần so với trồng dưa chính vụ.
Trong sự thành công ấy, vợ chồng chị đã phải đổ bao mồ hôi, công sức. Do không được đi học nên chị không biết nói tiếng Việt, nói chi đến việc giao tiếp, rồi tính tiền khi bán. Cũng may, chồng chị học hết lớp 6. Thế là, sau mỗi ngày lao động vất vả, vợ chồng lại ê, a dạy nhau từng chữ một. Với sự cố gắng, nỗ lực hết mình, đến nay chị đã có một vốn liếng tiếng Việt đủ để giao tiếp và bán hàng.
Cả bản làm theo
Cứ theo cách nghĩ và làm của mình, chị Vàng Thị Rùa ngược xuôi khắp nơi tìm kiếm những cây, con có giá trị kinh tế về nuôi trồng. Hồi đầu năm nay, nghe có người bảo ở bên Lào Cai có giống mận cho quả to bằng cái chén, vợ chồng chị lại đèo nhau ngược qua bên Sa Pa tìm kiếm. Đến nơi, hai vợ chồng mới té ngửa ra, giống mận đó là của Trung Quốc. “Không tìm được giống mận đó, nhưng vợ chồng mình cũng thấy rất vui. Sa Pa đẹp lắm, mình bảo với chồng thích ở đó mãi!” - chị Rùa tâm sự.
Ngoài trang trại của gia đình, vợ chồng chị còn nhận khoanh nuôi, bảo vệ 8ha rừng. Từ hiệu quả của mô hình kinh tế trang trại trồng trọt kết hợp với chăn nuôi, vợ chồng chị đã dư giả vốn liếng làm ăn. Cùng với ngôi nhà mái ngói đỏ tươi nơi bản cũ với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, mới đây, chị đã quyết định mua một ngôi nhà dưới thị trấn Tuần Giáo, giá 50 triệu đồng để đón ông nội xuống ở, nuôi cháu ăn học. Chị dự định, khi nhiều sản phẩm khác cho thu hoạch thì ngôi nhà đó sẽ là cơ sở bán hàng của gia đình.
Từ cách làm giàu của chị Vàng Thị Rùa, đến nay, hầu hết các hộ trong bản Lồng, xã Tỏa Tình đều làm theo mô hình phát triển kinh tế của vợ chồng chị. Cả bản đã trồng dưa trái vụ, nhiều hộ khác trồng sa nhân, nuôi trâu, bò... Đặc biệt, khi đã thoát nghèo, vợ chồng chị vẫn không quên giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ như mình trước đây vươn lên phát triển kinh tế gia đình, nuôi con ăn học. Với 10 hộ anh em trong nhà không có trâu cày ruộng nương, vợ chồng chị đã giúp mỗi hộ 500.000 đồng để họ mua trâu. Với những bà con thiếu tiền nuôi con ăn học, chị cho vay 3-5 triệu đồng. Nhà nào khó khăn quá thì vợ chồng chị giúp luôn.
Chị Vàng Thị Rùa thổ lộ: Nay mình làm kinh tế có hiệu quả thì phải giúp bố mẹ nuôi các em. Mình không thể như bố mẹ ngày trước, do nghèo khổ mà cho các em nghỉ học. Mình luôn động viên các em cố gắng học lấy cái chữ, kiến thức, để sau này giúp bản thân lập nghiệp./.